image banner
Mời họp

image advertisement





Di tích lịch sử- văn hóa Đình Vuông, xã Giao Phong huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định
Lượt xem: 1760

Đình Vuông, xã Giao Phong là di tích có giá trị lịch sử, là nơi để dân làng tri ân công đức của đức thánh Triệu Việt Vương

Trước Cách mạng tháng Tám xã Giao Phong thuộc thôn Thượng, trang Quất Lâm, phủ Xuân Trường tỉnh Nam Định.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, các đơn vị hành chính cũ đều được thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Lúc này thôn Quất Lâm Thượng, Quất Lâm Hạ và Văn Trì hợp nhất thành xã Quất Hải. Đình Vuông, chùa Bảo Hoa thuộc thôn  Thượng xã Quất Hải, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định

Đến năm 1955-1956, trong công cuộc cải cách ruộng đất của Đảng và Nhà nước, cùng với nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của địa phương nên xã Quất Hải được chia thành 2 xã Quất Lâm và Giao Phong.

Ngày 12/12/1967, Chính phủ ra Quyết định số 174/QĐ-CP sát nhập hai huyện Giao Thủy, Xuân Trường thành huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Hà. Hai di tích này thuộc huyện Xuân Thủy.

Ngày 26/12/0997, chính phủ ra Nghị định số 19-CP tách huyện Xuân Thủy thành hai huyện Giao Thủy và Xuân Trường. Trải qua nhiều lần thay đổi địa chính giới, hiện nay Giao Phong là 1 trong 22 xã, thị trấn của huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Đình Vuông tọa lạc trên xóm Lâm Hoan (cạnh trụ sở UBND) xã Giao Phong, kề sát với trục đường 56 nối trung tâm huyện Giao Thủy với khu Du du lịch tắm biển Quất Lâm.

 
Nghi môn đình Vuông

Đình Vuông thờ đức thánh Triệu Việt Vương

Triệu Việt Vương tên thật là Triệu Quang Phục con ông Triệu Túc người huyện Chu Diên phủ Tam Đái (Vĩnh Phúc). Là người có trí lớn nên ngay từ nhỏ ông đã thông thạo kinh sử, văn võ, lớn lên ông theo Lý Bí và được giao cho giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều như Tiết độ sử ở trấn Sơn Nam. Năm Ất Sửu (545) ông được vua phong cho làm đại tướng quân đóng ở hồ Điển Triệt (nay thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Phú Thọ).

Năm 548 Triệu Quang Phục chính thức lên ngôi Hoàng Đế, xưng hiệu là Triệu Việt Vương, xây dựng nhà nước Vạn Xuân. Sau khi ông mất (571) các triều đại phong kiến ban cấp sắc phong suy tôn ông là Thành hoàng làng. Nhân dân nhiều nơi cũng lập đền thờ để tưởng nhớ đến công đức của ông.

Công lao của đức thánh Triệu Việt Vương đã được các triều đại phong kiến ghi nhận và ban tặng nhiều sắc phong. Hiện nay tại di tích còn lưu giữ được 10 đao sắc phong, trong đó có 8 đạo sắc từ thời vua Triệu Trị nguyên niên (1848), đến thời vua Khải Định thứ 9 (1924) nội dung phong tặng cho đức thánh Triệu Việt Vương.

Theo thống kê hiện nay trên địa bàn huyện Giao Thủy có 16 di tích thờ đức thánh Triêu Việt Vương làm thành hoàng  làng. Trong đó có di tích ddunhf Vuông xã Giao Phong . Tín ngưỡng thờ phụng đức thánh ở đây luôn mang ý nghĩa bảo trợ cho công cuộc làm ăn sinh sống của nhân dân.

Đình mang tên là Đình Vuông bởi theo kiểu bố cục hình chữ vương của nó. Tuy nhiên vì Đình thờ Đức thánh Triệu Việt Vương cho nên nhân dân trong vùng kiêng húy chữ Vương gọi chệch là Vuông.

Đình Vuông xã Giao Phong được xây dựng trên một khu đất rộng 1155m2, mặt quay về hướng Nam.

Nghi môn trước đình được xây dựng bề thế với 3 cổng ra vào. Qua Nghi môn đến một sân rộng lát bằng gạch vuông nung đỏ là tới công trình chính. Công trình kiến trúc đình vuông được xây dựng theo kiểu “Tiền nhất hậu vương” gồm các tòa:

Tòa thứ nhất gọi là đình trống có 3 gian xây cuốn vòm, kiến trúc kiểu “cổ đẳng” hai tầng tám mái. Chính giữa hiên Tiền đường đắp họa tiết “lưỡng long chầu nguyệt” cùng các đầu đao uốn cong trang trí họa tiết vân án, rồng chầu. Phần cổ đẳng nối mái tầng trên với tầng dưới được chia làm 3 khoang đều đắp trang trí họa tiết “rồng chầu, tứ linh” bằng chất liệu vôi vữa

Tòa chữ Vương được dựng nối liền với tòa chữ nhất gồm các hạng mục: Tiền đường, trung đường, cung cấm.

Tòa Tiền đường có kích thước dài: 12,80 m; rộng 5,10 m được chia thành ba gian hai trái, bộ mái công trình lợp ngói nam, kiến trúc kiểu cổ đẳng hai lớp mái, hai bên hồi tiền đường đắp họa tiết kìm nóc đấu trụ. Phần cổ đẳng nối mái tầng trên với tầng dưới được chia thành các khoang, khoang giữa đắp đại tự ghi dòng chữ: “nhật nguyệt chiêu lâm”, hai khoang bên đắp họa tiết long chầu.

 
Mặt trước đình Vuông

Tòa trung đường gồm 3 gian xây nối mái với tòa Tiền đường có kích thước dài 8,90 m, rộng 7,90, gian giữa kiến trúc bằng gỗ lim vì kèo kiểu uốn vành mai. Tại đây trên các cấu kiện từ xà thượng, xà hạ đều được chạm khắc phong phú các họa tiết bầu rượu, túi thơ, đàn sáo xênh tiền… theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn thế kỷ XIX.

Nối liền với Trung đường là tòa ống muống có kích thước dài 4,70m; rộng 3, 70m. Hai đầu tòa ống muống có bức tường ngăn, một đầu nối vơi tòa trung đường một đầu nối với cung cấm. Trên bức tường ngăn tạo thành 3 khoang cửa, khoang cửa giữa được sơn son thiếp vàng phía trên có bức đại tự ghi dòng chữ: “Hải vô ba”, hai khoang bên là hệ thống cửa “mạch” lắp cánh gỗ.

Điều đặc biệt nhất ở đình Vuông là một công trình kiến trúc còn bảo tồn nhiều cấu kiện kiến trúc gỗ, đặc biệt là những mảng trạm khắc rất tinh xảo đã góp phần làm tăng thêm giá trị nghệ thuật cho công trình kiến trúc.

Đình Vuông, nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của địa phương trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược

Đình Vuông xã Giao Phong là công trình tín ngưỡng có lịch sử hình thành và phát triển song hành với quá trình xây dựng làng xã, vị vậy di tích là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, đồng thời góp phần không nhỏ vào chiến thắng của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Ngày 19/8/1945 dưới sự chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh, nhân dân Hà Nội đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi đã tạo lên một làn sóng đấu tranh mạnh mẽ đối với các địa phương lân cận.

Ngày 28/8/1945 tại di tích đình Vuông, Ủy ban cách mạng lâm thời của xã Quất Hải đã thành lập.

Ngày 8/9/1945, Hồ chủ tịch kí sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ và ra lời kêu gọi toàn dân hưởng ứng phong trào xóa nạn mù chữ mở mang dân trí. Đình Vuông xã Giao Phong cũng trở thành địa điểm để tổ chức các lớp học cho con em địa phương.

Ngày 6/1/1946 di tích đình Vuông là địa điểm để đông đảo cử tri trong xã tham gia bầu cử đại biểu Quốc hộ đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Tháng 3/1946 đình Vuông là địa điểm để công nhân tham gia bỏ phiếu thực hiện quyền công dân của mình.

Ngày 31/12/1946 đình Vuông xã Giao Phong là địa điểm thành lập hội nông dân cứu quốc, thanh niên cứu quốc, phụ lão cứu quốc và phụ nữ, nhi đồng cứu quốc. Những sự kiện cách mạng đó đã góp phần dấy lên phong trào thu đua ái quốc sông động trong mọi tầng lớp nhân dân.

Tháng 10/1949 thực dân Pháp mở rộng địa bàn chiếm đóng địa bàn Giao Thủy, chúng thiết lập hệ thống đồn bốt dầy đặc để hòng đàn áp phong trào cách mạng. Nhân dân huyện Giao Thủy nói chung và nhân dân xã Giao Phong nói riêng bước vào thời kì “hai năm bốn tháng”. Thời gian này đình Vuông là địa điểm an toàn cho lực lượng cách mạng của ta.

Từ sau hòa bình lặp lại cho đến những năm kháng chiến chống Mỹ, đình Vuông xã Giao Phong cũng góp phần không nhỏ vào chiến thắng của cách mạng. Là địa điểm đưa tiễn con em địa phương lên đường tòng quân đánh giặc. Là kho cất giấu vũ khí đạn dược của Nhà nước phục vụ đơn vị bộ đội chiến đấu tại chiến trường ven biển. Đặc biệt đình Vuông còn là trụ sở làm việc của Ủy ban nhân dân xã Giao Phong.

Tất cả các sự kiện diễn ra tại đình Vuông đã ghi nhận được một quá trình đấu tranh của nhân dân địa phương. Đây cũng là những chứng cứ lịch sử khẳng định giá trị của di tích góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người dân địa phương.

Hàng năm tại di tích diễn ra nhiều ngày lễ với nhiều nghi thức phong phú đặc biệt là nghi thức rước thánh “Nghinh quan hải” rất độc đáo tổ chức trong các ngày 13,14,15 tháng Tám âm lịch. Quãng đường rước bắt đầu đi từ di tích ra biển. Ngày nay trong dịp lễ hội truyền thống các thôn trong xã Giao Phong tổ chức rước kiệu về đình nhằm kỷ niệm ngày hiển linh của Đức thánh Triệu Việt Vương. Nhiều dòng họ trong làng còn tổ chức rước lễ vật ra đình để lễ thánh. Bên cạnh đó dưới sự chỉ đạo của cấp ủy chính quyền địa phương  ngoài những trò chơi truyền thống như: Cờ người, leo cầu phao, đu quay, ban tổ chức còn lồng ghép nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, thi đấu thể thao như: Bóng đá, bóng chuyền, giao lưu văn hóa, văn nghệ tạo thành một ngày hội văn hóa thể thao rất sôi động góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Từ những giá trị biểu về lịch sử văn hóa nghệ thuật trên đây, đình Vuông đã được công nhận là di tích lịch sử- văn hóa. Đây là nguồn động viên tinh thần to lớn đối với con em địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích ngày càng tốt hơn.

Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Giao Thủy