image banner
Mời họp

image advertisement



Từ đường họ Nguyễn (Nguyễn đại tộc) xã Giao Phong huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định
Lượt xem: 3764

Từ đường họ Nguyễn được xây dựng trên địa bàn xóm Lâm Hoan, thờ Thuỷ tổ Nguyễn Bá Nhật và các vị tổ kế thành. Thủy tổ là người có công khai hoang lập ấp ở vùng đất Giao Thủy nói chung và mảnh đất Giao Phong nói riêng.

Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Giao Phong thuộc tổng Hoành Nha, trang Quất Lâm. Sau thành công của cách mạng tháng 8, chính quyền mới đã bãi bỏ cấp tổng, chia ra các xã, năm 1946 xã Quất Lâm được thành lập gồm các thôn Quất Thượng, Quất Hạ, Văn Trì và Nam Hải.

Đầu năm 1952, xã Quất Lâm được đổi tên thành xã Quất Hải, từ đường họ Nguyễn thuộc thôn Quất Lâm thượng, xã Quất Hải, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định.

Năm 1956, trong cải cách ruộng đất, xã Quất Hải được chia thành 2 xã mới: Giao Lâm và Giao Phong. Từ đường họ Nguyễn thuộc xã Giao Phong.

Ngày 12/12/1967, Chính phủ ra Quyết định số 147/QĐ-CP sát nhập hai huyện Giao Thuỷ và Xuân Trường thành huyện Xuân Thuỷ, tỉnh Nam Hà. Ngày 26/2/1997, Chính phủ tách huyện Xuân Thuỷ thành hai huyện Xuân Trường và Giao Thuỷ. Từ đường họ Nguyễn thuộc xã Giao Phong, huyện Giao Thuỷ.

Xã Giao Phong cách thị trấn Ngô Đồng trung tâm huyện Giao Thủy khoảng 12km về phía Tây Nam, và từ đường họ Nguyễn được xây dựng trên địa bàn xóm Lâm Hoan.
 
Từ đường là nơi thờ Thuỷ tổ Nguyễn Bá Nhật và các vị tổ dòng họ
 
Theo lịch sử ghi chép lại thuỷ tổ Nguyễn Bá Nhật là người có công khai hoang lập ấp ở vùng đất Giao Thuỷ nói chung và mảnh đất Giao Phong nói riêng. Ông cũng là vị tổ đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển dòng họ Nguyễn ở vùng đất Giao Phong ngày nay.

 Căn cứ vào tộc phả họ Nguyễn vào cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, Thuỷ tổ Nguyễn Bá Nhật từ vùng đất Hà Tây cùng các ông tổ họ Trần, họ Cao (từ vùng đất Nam Dương), họ Mai (từ Tĩnh Gia-Thanh Hoá), họ Phạm đã tìm các dải đất ven sông dựng nhà để ở, cùng nhau san gò lấp trũng tạo thêm đồng ruộng, đưa nước vào đồng thau chua rửa mặn, khơi dòng chảy tạo thành kênh Cồn Nhất, các cụ còn lo việc đắp đê ngăn mặn, bảo vệ mùa màng, việc khai khẩn đất đai dần phát triển. 

Sau bao năm tháng khó khăn gian khổ với thiên nhiên khắc nghiệt nơi miền đất mới, Thuỷ tổ Nguyễn Bá Nhật cùng các ông tổ các dòng họ đã xây dựng nên xóm làng đông vui, trù phú. Thuỷ tổ Nguyễn Bá Nhật là một trong các vị Thuỷ tổ đầu tiên về khai sáng ra mảnh đất Quất Lâm, đồng thời là vị tổ đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển dòng họ Nguyễn ở vùng đất Giao Phong ngày nay.

Để ghi nhớ công lao của vị Thuỷ tổ họ Nguyễn, sau khi ông qua đời, con cháu trong dòng họ đã xây dựng từ đường, lập thần vị tôn thờ ông làm Thuỷ tổ dòng họ.

Theo phả hệ hiện lưu giữ tại di tích, thì dòng họ Nguyễn truyền đến nay được 13 đời, tiêu biểu là các vị tổ: Nguyễn Bá Khản (đời thứ 3), Nguyễn Bá Thức (đời thứ 3), Nguyễn Bá Thể (đời thứ 5), Nguyễn Bá Đoài (đời thứ 5), Nguyễn Bá Quyền (đời thứ 6). Đây là những vị tổ có công phù vua giúp nước, chống giặc ngoại xâm và được triều đình phong kiến ban tặng sắc phong.

 
Từ đường họ Nguyễn toạ lạc trên một khu đất cao ráo, thoáng đãng, rộng 715mquay về hướng Tây.

Công trình kiến trúc của từ đường có bố cục mặt bằng kiểu chữ đinh gồm: tiền đường và hậu cung.

Toà tiền đường 3 gian 2 chái, xây cuốn vòm. Trên bức tường mái cửa hiên đắp hoạ tiết rồng chầu mặt nguyệt. Phía dưới là 3 khoang xây cuốn vành mai. Hai bên hồi xây 2 cột đồng trụ cao 5m. Cột đồng trụ gồm 3 phần: đỉnh trụ đắp hoạ tiết nghê chầu, thân trụ tạo thành khối chữ nhật có gờ chỉ, ở giữa nhấn nổi câu đối chữ Hán ca ngợi công lao của các vị tổ có công tạo lập mảnh đất Giao Phong, chân đế tạo dáng hình cổ bồng. Bộ mái tiền đường lợp ngói nam, bờ nóc đắp họa tiết rồng, kìm nóc đắp đấu vuông.

 
Mặt chính của Từ đường

Bộ cửa tiền đường gia công kiểu “ván bưng” bằng gỗ lim. Mặt bằng tiền đường chia làm 3 gian 2 chái. Nâng đỡ bộ mái là hệ thống trụ gạch có kích thước 0,25m. Hai bộ vì ở gian giữa được xây theo kiểu giá chiêng, mái cuốn vòm.

Hậu cung của từ đường xây nối mái với tiền đường tạo nên bình đồ kiến trúc chữ “đinh”. Hậu cung gồm 4 gian, xây cuốn vòm. Gian ngoài cùng tính từ ngoài vào là nơi đặt ban thờ công đồng. Gian thứ hai ngăn cách gian thứ nhất bằng hệ thống cửa cuốn vòm gồm 3 khoang, trên cánh cửa chạm khắc hoạ tiết rồng, mây, ở khoang giữa là bức vách bằng gỗ chạm khắc hoạ tiết tứ linh, hoa lá. Gian trong cùng rộng 1,85m, ở giữa đặt khám và nhang án thờ Thuỷ tổ dòng họ. Bên trái của gian đặt ban thờ tổ thứ nhất và thứ hai, bên phải đặt ban thờ, thần chủ của tổ thứ ba và thứ tư của dòng họ.

Từ đường họ Nguyễn và đóng góp của dòng họ trong các phong trào cách mạng và kháng chiến ở địa phương.

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, từ đường họ Nguyễn và con cháu trong dòng họ đã có những đóng góp không nhỏ vào công cuộc đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ

Sau khi Cách mạng tháng 8/ 1945 thành công, hoà chung với khí thế của dân tộc, con cháu họ Nguyễn ở xã Quất Hải (nay là xã Giao Phong) đã tích cực tham gia xây dựng chính quyền và các đoàn thể quần chúng cách mạng như: Thanh niên, Phụ nữ, Mặt trận…Cùng với nhiệm vụ xây dựng, củng cố, bảo vệ chính quyền cách mạng, con cháu trong dòng họ Nguyễn ra sức hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Mọi người trong dòng họ đã động viên con em tham gia lực lượng dân quân tự vệ và lên đường tòng quân đánh giặc. Cùng nhân dân trong xã con cháu họ Nguyễn hưởng ứng sôi nổi các phong trào tăng gia sản xuất và bình dân học vụ. Từ đường họ Nguyễn trở thành địa điểm mở các lớp bình dân học vụ.

Ngày 22/10/1949, giặc Pháp mở các trận đánh càn ra huyện lỵ Giao Thuỷ. Chỉ sau gần 3 tháng lấn chiếm đến cuối năm 1949, địch đã cắm nhiều đồn bốt quan trọng trên đất Giao Thuỷ: Ngưỡng Nhân, Sa Châu, Thức Hoá. Trong những năm 1953 - 1954,  quân Pháp từ bốt Thức Hoá cho lính xuống càn quét địa bàn xã Quất Hải (nay là xã Giao Phong). Nhân dân địa phương, con cháu trong dòng họ Nguyễn và bộ đội chủ lực trung đoàn 46 đã tập kết tại từ đường để đánh bốt Thức Hoá (nay thuộc xã Giao Thịnh). Cũng trong thời kỳ này, từ đường là địa điểm làm kho cất giấu vũ khí, đạn dược, là nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động bí mật.

Trong thời kỳ Đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc từ năm 1967- 1974 từ đường họ Nguyễn trở thành kho cất giấu vũ khí đạn dược, quân trang của bộ đội chủ lực Trung đoàn 46. Cũng  là nơi đưa tiễn con em trong dòng họ lên đường tòng quân giết giặc.

Từ đường họ Nguyễn không chỉ là nơi thờ cúng, tri ân công đức của các vị tiên tổ mà tại đây còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dòng họ. Hàng năm tại từ đường diễn ra nhiều lễ tiết quan trọng tiểu biểu là lễ khao xuân tế tổ (16,17 tháng Giêng), lễ cơm mới.
Ngoài những kì lễ trên, hàng năm vào những dịp: Thanh minh (3/3 âm lịch), Đoan Ngọ (5/5 âm lịch), Trung nguyên (15/7 âm lịch), và các ngày Sóc, Vọng (mồng 1,15) hàng tháng, con cháu dòng họ đều tổ chức dâng hương, lễ tổ tại từ đường.
Lễ hội và những sinh hoạt văn hóa diễn ra tại từ đường không chỉ là dịp để con cháu tôn vinh công lao của các vi tổ mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa dân gian truyền thống của người Việt Nam cần được bảo tồn và phát triển.
Từ những giá trị tiêu biểu về lịch sử kiến trúc nghệ thuật và văn hóa trên, từ đường họ Nguyễn đã được công nhận là di tích lịch sử. Đây là nguồn động viên to lớn đối với con cháu dòng họ, cũng như là động lực để con cháu họ Nguyễn cũng như nhân dân địa phương bảo tồn và phát huy giá trị của di tích
Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Giao Thủy