image banner
Mời họp

image advertisement



Di tích lịch sử Từ đường họ Nguyễn thôn Hoành Lộ, xã Hoành Sơn, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định
Lượt xem: 2088

Từ đường họ Nguyễn tọa lạc trên phần đất thuộc xóm 6, thôn Hoành Lộ, xã Hoành Sơn, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Từ đường họ Nguyễn thờ vị Thái tổ Nguyễn Sỹ - người có công khai sáng mảnh đất Hoành Lộ và Thủy tổ Nguyễn Công (húy Hà) cùng các vị tổ hiền kế thành.

Mảnh đất Hoành Lộ, xã Hoành Sơn hình thành và phát triển bắt đầu từ thời vua Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1496).

Trước cách mạng tháng 8/1945, Hoành Sơn bao gồm 5 xã: Hoành Nhị, Hoành Tam, Hoành Tứ, Hoành Lộ và Khắc Nhất thuộc hai tổng Hoành Nha và Hoành Thu, huyện Giao Thủy.

Năm 1947, hai xã Hoành Nhị và Khắc Nhất được sáp nhập thành xã Hoành Sơn. Xã Hoành Tam, Hoành Lộ, Hoành Tứ được hợp nhất thành xã Liên Thành. Di tích Từ đường họ Nguyễn thuộc về xã Liên Hoành.

Đầu năm 1952, xã Hoành Sơn đổi thành xã Giao Sơn và xã Liên Thành đổi thành xã Giao Hoành.

Năm 1969, hai xã Giao Hoành và Giao Sơn sáp nhập thành xã Hoành Sơn. Di tích Từ đường họ Nguyễn thuộc xã Hoành Sơn.

Qua nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, hiện nay Hoành Sơn là 1 trong 22 xã, thị trấn của huyện Giao Thủy. Xã chia thành 5 thôn: Hoành Tam, Hoành Tứ, Hoành Lộ, Sơn Đài và Sơn Thọ. Từ đường họ Nguyễn tọa lạc tại xóm 6, thôn Hoành Lộ.

Từ đường họ Nguyễn thờ Thái tổ Nguyễn Sỹ - người góp công khai sáng mảnh đất Hoành Lộ ngày nay.

 
Quang cảnh từ đường họ Nguyễn

Vào nửa cuối thế kỷ XV, dưới thời vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497), hưởng ứng lời kêu gọi của triều đình, các vị tổ và con cháu nhiều dòng họ trong đó có họ Nguyễn hăng hái, nhiệt tình tỏa đi khắp các vùng miền khai hoang những vùng đất bãi ven sông, ven biển, ruộng đất bỏ hoang để lập đồn điền xây dựng những miền quê mới.

Cũng khoảng thời gian này, Thái tổ Nguyễn Sỹ cùng gia đình sinh sống tại vùng An Duyên xưa kia thuộc phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Là người có tư chất thông minh chính trực và được bổ nhiệm làm quan phủ Doãn ở phủ Thường Tín tỉnh Hà Tây.

Năm 1482, dưới triều vua Lê Thánh Tông, Thái tổ Nguyễn Sỹ xin từ quan dẫn theo người con thứ là Thủy tổ Nguyễn Công (húy Hà) cùng Thủy tổ họ Doãn và một số họ khác xin triều đình về vùng Hải Tần, thuộc miền Sơn Nam Hạ, phủ Thiên Trường khai hoang lập nghiệp, mở đầu cho sự hình thành và phát triển của mảnh đất Hoành Lộ ngày nay.

Từ những bãi đồi hoang vu, lau lác um tùm, Thái tổ Nguyễn Sỹ cùng con cháu trong các dòng họ khác, với tinh thần lao động bền bỉ, trí thông minh sáng tạo đã vượt qua bao gian khó biến nơi đây thành những cánh đồng màu mỡ, dân cư đông đúc.

Để ghi nhớ công đức của ông, sau khi ông mất, con cháu dòng họ Nguyễn ở thôn Hoành Lộ đã xây dựng Từ đường để thờ phụng.

Đến nay từ đường họ Nguyễn còn lưu giữ được 2 đạo sắc phong của Thái tổ Nguyễn Sỹ: đạo thứ nhất niên hiệu Khải Định 2(1917) và đạo sắc phong có niên hiệu Khải Định 9 (1924) phong tặng: Đoan túc tôn thần.

Theo cuốn “gia phả họ Nguyễn Hoành Lộ” thì ngôi Từ đường không chỉ thờ Thái tổ Nguyễn Sỹ mà còn là nơi phối thờ Thủy tổ Nguyễn Công (húy Hà) và các vị tổ hiền kế thành có nhiều công lao với quê hương, dòng họ như: tổ Nguyễn Đình Thuyên (đời thứ 7), tổ Nguyễn Công Viết Tế (đời thứ 7) và tổ Nguyễn Xuân Phương (đời thứ 10).

Lịch sử phát triển của mảnh đất Hoành Lộ nói riêng và xã Hoành Sơn, huyện Giao Thủy nói chung không thể không nhắc đến ba nhân vật là con cháu họ Nguyễn có công quy tụ dân phiêu tán ở khắp nơi về đây sinh cơ lập nghiệp (công lao của tổ Nguyễn Đình Thuyên), chống sưu thuế cao, bênh vực quyền lợi của dân nghèo (phong trào do mãnh tổ Nguyễn Công Viết Tế đứng đầu) và tham gia xây dựng các công trình công cộng như đường xá, bắc cầu, mở chợ, xây chùa…(do tổ Nguyễn Xuân Phương đứng lên dựng dã).

Qua đó thấy được những tấm gương về sự cống hiến, đóng góp của Thái tổ Nguyễn Sỹ, Thủy tổ Nguyễn Công (húy Hà), tổ Nguyễn Đình Thuyên, mảnh tổ Nguyễn Công Viết Tế và tổ Nguyễn Xuân Phương cùng các hậu duệ của dòng họ Nguyễn trong công cuộc dựng nước giữ nước và xây dựng làng quê.

 

Nghi môn dựng phía trước của Từ đường quay về phía tây nam

Từ đường họ Nguyễn được xây dựng trên một khu đất cao ráo, mặt quay về hướng tây nam. Mặt trước, bên phải và phía sau kề sát với khu dân cư. Mặt bên trái kề sát và nằm song song với đường giao thông liên thôn.

Từ đường họ Nguyễn gồm có các hạng mục kiến trúc sau: cổng vào, nghi môn, sân, vườn và công trình kiến trúc trung tâm.

Cổng vào nằm bên trái của ngôi Từ đường và kề sát đường giao thông, được xây hoàn toàn bằng gạch vữa chiều cao là 1,5m.

Nghi môn dựng phía trước của Từ đường quay về phía tây nam. Nghi môn thiết kế kiểu tứ trụ gồm 2 trụ lớn cao 7m, đỉnh trụ trang trí họa tiết phượng lật. Phần thân trụ hình vuông, bên trên nhấn đôi câu đối ca ngợi công đức tiên tổ. Đế trụ thiết ké hình ô vuông trang trí họa tiết chữ “thọ” kích thước cao 0,75m, rộng 0,765. Hai trụ nhỏ xây cao 3m, đỉnh trụ trang trí họa tiết hoa sen; thân trụ là một khối hình vuông, cạnh 0,35m, xung quanh tạo viền nhấn nổi câu chữ Hán ghi lại truyền thống, gốc tích của dòng họ.

Từ đường họ Nguyễn trên bố cục mặt bằng kiểu chữ “đinh” gồm: tiền đường 3 gian, hậu cung 3 gian.

 

Tòa tiền đường chia thành 3 gian đều nhau

Tòa tiền đường có kích thước dài 9,6m và rộng 5,84m chia thành 3 gian. Phần nền công trình cao trội hơn mặt sân 0,85m tạo hành 3 bậc lên xuống. Phần hiên tiền đường có kích thước rộng 1,13m và dài 9,6m đổ mái bằng, tường phía trước chia thành 3 khoang cửa xây cuốn vành mai. Bộ cửa tiền đường được gia công hoàn toàn bằng gỗ lim, mỗi khoang có 4 cánh, mỗi cánh có kích thước dài 1,70m và rộng 0,5m. Các cánh cửa liên kết với nhau bởi hệ thống bản lề chắc chắn.

Tòa tiền đường được chia thành 3 gian đều nhau, mỗi gian rộng 3,2m. Nâng đỡ bộ mái là hệ thống cột bê tông cốt sắt có đường kính là 0,3m. Mặc dù được xây cuốn song về kết cấu tòa tiền đường vẫn có các cấu kiện được gia công theo phong cách truyền thống kiểu “giá nghiêng” tạo thành 4 bộ vì.

Hậu cung của Từ đường được xây nối mái với tiền đường, tạo nên bình đồ kiến trúc kiểu chữ “đinh”. Hậu cung gồm 3 gian xây cuốn vòm nằm theo chiều dọc trong đó gian trong cùng xây cuốn vòm kiểu cổ đẳng hai tầng tám mái. Phần cổ đẳng nối mái trên với mái dưới đắp 3 chữ Hán “Nguyễn từ đường”. Bên trong cung cấm xây bệ, tại đây bài trí ngai và tượng thờ Thái tổ Nguyễn Sỹ, Thủy tổ Nguyễn Công (húy Hà) và các tổ kế thành có công khẩn khoang khai sáng ra mảnh đất Hoành Lộ giàu đẹp ngày nay.

Tiếp nối truyền thống yêu nước của cha ông, con cháu họ Nguyễn và ngôi từ đường đã có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ cũng như công cuộc xây dựng đất nước hòa bình vào thời kỳ đổi mới.

Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta (1946 – 1954), ngôi Từ đường họ Nguyễn đã nhanh chóng trở thành cơ sở hội họp của cán bộ Việt Minh. Đặc biệt giai đoạn 1947 – 1949 nơi đây còn là trụ sở làm việc của Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Giao Thủy.

Từ năm 1950 – 1953, Từ đường họ Nguyễn, thôn Hoành Lộ còn được lực lượng cách mạng chọn làm kho vũ khí bí mật, âm thầm góp phần làm nên những chiến công của quân và dân xã Hoành Sơn.

Từ sau hòa bình lập lại đến những năm kháng chiến chống Mỹ, Từ đường họ Nguyễn thôn Hoành Lộ, xã Hoành Sơn không chỉ là nơi thực hiện nghi lễ phụng thờ tổ tiên mà tiếp tục mở thành địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện cách mạng quan trọng tại địa phương.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975), ngôi Từ đường họ Nguyễn trở thành địa điểm đón tiếp, đưa tiễn những người con trong dòng họ lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước, Từ đường họ Nguyễn vẫn là nơi sinh hoạt của con cháu dòng họ, là nơi tuyên truyền các chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại địa phương. Chính những đóng góp của con cháu họ Nguyễn cùng với sự kiện lịch sử được ghi dấu tại địa điểm di tích Từ đường đã góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc và tô đậm truyền thống vẻ vang của địa phương.

Hàng năm tại Từ đường diễn ra nhiều lễ tế và sinh hoạt văn hóa nhằm tôn vinh và tưởng nhớ công lao của Thái tổ Nguyễn Sỹ và các vị tổ dòng họ Nguyễn thôn Hoành Lộ, tiêu biểu là lễ giỗ tổ diễn ra vào ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm. Đây là ngày giỗ chung của các tổ và ngày lễ trọng của dòng họ. Đây là dịp để tri ân công đức Thái tổ Nguyễn Sỹ, Thủy tổ Nguyễn Công (húy Hà) và các tổ kế nghiệp.

Những ngày lễ cùng nghi thức được tổ chức tại Từ đường họ Nguyễn không chỉ là dịp để con cháu trong họ ôn lại côn lao của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp khai hoang, dựng làng, giữ nước mà còn là dịp để con cháu dòng họ cùng nhau sinh hoạt, thắt chặt tinh thần đoàn kết hướng tâm nguyện vào việc xây dựng quê hương làng xóm của mình ngày một đổi mới, giàu mạnh.

Từ những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa- nghệ thuật nêu trên, từ đường họ Nguyễn thôn Hoành Lộ, xã Hoành Sơn đã được công nhận là di tích lịch sử. Đây chính là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho con cháu dòng họ nói riêng và nhân dân địa phương nói chung bảo tồn và phát huy giá trị của di tích ngày một tốt hơn
Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Giao Thủy