image banner
Mời họp

image advertisement



Di tích Từ đường họ Đỗ xã Giao Châu, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định
Lượt xem: 1943

Từ đường họ Đỗ tọa lạc tại xóm Tiên Hưng, thôn Tiên Chưởng, xã Giao Châu, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Từ đường họ Đỗ thờ Thủy tổ Đỗ Phúc Hưu và thờ tổ Đỗ Phúc Dũng

Thôn Tiên Chưởng là một thôn của trang Hải Tuyệt Tứ thuộc tổng Hoành Nha. Trang Hải Tuyệt Tứ là đơn vị xã có bốn thôn: Tiên Chưởng, Thanh Khiết, Liên Trì và Vân Trì.

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, các thôn Tiên Chưởng, Sa Châu và Duyên Thọ được sát nhập thành xã Thọ Tiên Châu.

Năm 1956, tách thôn Duyên Thọ ra sát nhập về xã Giao Nhân. Thôn Tiên Chưởng và Sa Châu cùng hai xóm của thôn Duyên Thọ tách ra là xóm Duyên Hồng và Duyên Hòa, thành lập xã Giao Châu.

Năm 1958, hai xóm Duyên Hồng và Duyên Hòa lại chuyển về thôn Duyên Thọ xã Giao Nhân, lúc này xã Giao Châu còn lại hai thôn là Tiên Chưởng và Sa Châu. Từ đó đến nay, thôn Tiên Chưởng thuộc xã Giao Châu, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Từ đường họ Đỗ nằm tại vị trí thoáng đãng, xung quanh là khu dân cư, phía trước là trục đường 37B, giao thông đi lại thuận tiện nên có nhiều điều kiện để phát huy tốt giá trị di tích.

 
 

Từ đường họ Đỗ thờ Thủy tổ Đỗ Phúc Hưu.

Đỗ Phúc Hưu (tên lúc còn nhỏ là Bồ Sơn) sinh ngày 02 tháng 5 năm Giáp Tuất niên hiêu Gia Thái thứ 2 (1574), tại xã Gia Miêu, huyện Tống Sơn, trấn Thanh Hoa trong một gia đình đời đời làm quan thanh liêm, lấy nghề “Canh độc” làm trọng.

Tháng Giêng năm Qúy Tỵ (1593), quan Tiết chế triều Lê là Trịnh Tùng đem quân tiêu diệt phiến quân Mạc Kính Chỉ, ông thấy vậy, dẫn quân đến xin làm tướng Tiên phong và được phong làm Thanh Lâm tướng quân và giao cho ông làm tướng Tiên phong; còn hai tướng Đình Ái và Hữu Liêu, được giao chế ngự giặc tại chỗ. Trận ấy quân giặc tháo chạy vào rừng. Từ đó ông luôn giữ chức tướng Tiên phong và trận nào đã đánh là thắng.

Ngày 20 tháng 2 năm Qúy Tị (1593), ông lấy điều hơn lẽ thiệt khuyên giải Vũ Đức Cung quy để hưởng được sự khoan dung của triều đình và được Vua Lê đánh giá rất cao việc làm đó của ông.

Năm Giáp Ngọ (1594), quân giặc Ai Lao vào quẫy nhiễu, cướp bóc ở Mai Châu. Trịnh Tùng cho mời ông về lĩnh hơn một vạn binh mã đi đánh dẹp. Dẹp xong giặc, triều đình cử ông xây thành đắp lũy và trấn thủ ở đất này thêm 5 năm nữa. Thời gian ông trấn thủ ở mảnh đất Mai Châu đầy xung yếu, dân chúng được sống bình yên, sau đó ông được vua gọi về triều phong cho chức Đại tướng quân.

Niên hiệu Hoằng Định thứ 3 (1603) triều đình cử ông đi kinh lịch tại Phủ Xuân Trường. Thấy phong cảnh Giao Thủy hữu tình, đất đai màu mỡ, ông bèn về quê đem 16 người thân quyến và một số người chiêu mộ từ thập phương, chu cấp tiền bạc, lương thực để họ chuyên việc đắp đê mở đất.

Chưa đầy 3 năm sau, người đến hội tụ rất đông, con số lên đến mấy trăm người, số ruộng đất canh tác là hơn nghìn mẫu, hoa màu tươi tốt, ruộng đồng bội thu. Để ghi nhớ về nguồn gốc của mình ở trang Gia Miêu, Tống Sơn nên ông đã mượn tên quê cũ để đặt cho ấp mới là trang Gia Miêu.

Năm Vĩnh Tộ thứ 5 (1623), ông được phong lên chức Gián nghị Đại phu ở đài Ngự sử.

Năm Vĩnh Tộ thứ 7 (1625) ông dâng sớ xin nghỉ hưu, được vua phong hàm chức Đại học sĩ ở Viện Hàn Lâm.

Ngày 14 tháng 11 năm Nhâm Thìn, niên hiệu Khánh Đức 4 (1652) thời vua Lê Thần Tông, ông mất hưởng thọ 788 tuổi. Nghe tin ông qua đời nhà vua tiếc thương, phong cho tên thụy là Phúc Hưu và phong cho ông làm phúc thần của làng hiệu: Bảo quốc hộ dân, khai cơ khẩn thổ Nhân đức chi thần.

Hậu duệ đời thứ 11 của Thủy tổ Đỗ Phúc Hưu là Đỗ Phúc Dũng về Tiên Chưởng lập nghiệp và thành một chi tại đây. Để chi ân và tưởng nhớ tổ tiên, con cháu họ Đỗ ở Tiên Chưởng đã rước chân nhang Thủy tổ Đỗ Phúc Hưu về phụng thờ tại Từ đường. Hằng năm đến ngày giỗ Thủy tổ Đỗ Phúc Hưu con cháu họ Đỗ chi tổ Đỗ Phúc Dũng vẫn về Từ đường họ Đỗ tại Xuân Trường để dâng hương và viếng mộ tổ, tỏ lòng thành kính, tri ân của con cháu đối với vị phúc thần đã góp công dựng làng, giữ nước.

Từ đường họ Đỗ thờ tổ Đỗ Phúc Dũng.

Tổ Đỗ Phúc Dũng là hậu duệ đời thứ 11 của Thủy tổ Đỗ Phúc Hưu, được sinh ra và lớn lên tại Phủ Xuân Trường.

Sau khi đi thực địa thăm dò, thấy vùng đất hải duyệt, thuộc phủ Thiên Trường phù sa màu mỡ nên gia đình tổ Đỗ Phúc Dũng đã đưa con cháu về đây làm ăn sinh sống. Cũng trong thời gian này có ba dòng họ Cao, Trần, Nguyễn đã định cư tại đây. Không lâu sau có các dòng họ khác như Mai, Phạm, Lê cũng đến đây lập nghiệp.

Năm 1692, đời vua Lê Hy Tông, tổ Đỗ Phúc Dũng cùng các dòng họ khác trong ấp, dâng sớ xin triều đình thành lập làng mới.

Để đời sau con cháu không quên quê hương cũ là người làng Chưởng, nên các vị tổ đã thống nhất tên gọi mới là làng Tiên Chưởng.

Công trình kiến trúc Từ đường họ Đỗ.

Từ đường họ Đỗ tọa lạc trên khu đất rộng 335m2, mặt quay hướng Đông Nam, phía trước là trục đường quốc lộ 37B, xung quanh là khu dân cư.

Từ đường gồm các hạng mục kiến trúc: Nghi môn, bình phong, sân, công trình kiến trúc chính.

Nghi môn: được xây bởi hai trụ cột vao 2,30m, rộng 3m, thân là một khối vuông, cạnh vuông 0,65m, tạo gờ chỉ, phần đỉnh đắp họa tiết bông sen.

 
 
Mặt trước của từ đường

Ngay sau cột cổng chính có một khoảng sân nhỏ, phía bên phải sân dựng cột cờ cao 17m, cột làm theo kiểu búp đòng, với chất liệu bê tông, cốt thép. Thân cột cờ được sơn màu xanh, xung quanh cột đắp nổi hình rồng quấn quanh cột, miệng rồng ngậm đồng xu màu vàng có hình chữ Đỗ Phúc.

Tiếp sau cột cờ là cổng phụ được dựng song song với cổng chính, cao 1,40m, rộng 3m. Bên trên tường đắp đôi rồng đang chầu về cổng, mỗi góc tường được trang trí tàu lá dắt.

Bình phong: được đặt ngay sau cách cổng phụ 1,50m, được xây dựng năm 1999, có kích thước cao 2m, rộng 3,70m. Bên trên là hình ảnh phượng hóa, mặt giữa bình phong đục thông phong chữ “thọ”.

Sân Từ đường: rộng 16,4,7m2 gạch đỏ, thuận lợi cho việc tế lễ, xung quanh sân là tường bao, xây cao 0,80m tạo quy mô khép kín bảo vệ công trình.

Từ tiền đường kiến trúc theo kiểu chữ “đinh” gồm 2 tòa tiền đường và hậu đường.

Tiền đường: xây rộng 3 gian theo kiểu uốn vòm, cao 5,90m, dài 3,80m, rộng 9,20 m, nền lát gạch đỏ, hai bên đồi đục thông phong chữ  “thọ”. Gian giữa tiền đường treo bức đại tự “Khai tất niên”. Gian bên trái đặt 4 ngai và bài vị thờ tổ đời thứ 7 ngành cả họ Đỗ. Gian bên phải đặt hai ngai và 1 khám thờ tổ đời thứ 7 ngành thứ họ Đỗ.

Nền tiền đường tôn cao hơn mặt sân 0,53m, lát gạch đỏ, phía trước tạo bậc lên xuống. Phần giữ bậc tam cấp trước cửa chính từ đường là hai bên bậc tam cấp đắp hình hai con rồng bằng xi măng đang lao mình về phía trước.

Cột hiên hình vuông, tạo các đường gờ chỉ cho mềm mại, mặt nước nhấn vữa câu đối chữ Hán, trên trụ đắp họa tiết nghê chầu. Bờ nóc hiên tiền đường đắp lưỡng long chầu mặt nguyệt.

Hậu đường: 1 gian, cao 19m, dài 4,50m, rộng 2,80m. Mái hậu cung gắn ngói nam, phần mái và nền của tòa hậu đường được tôn cao hơn các hạng mục khác, vừa tạo cảm giác tôn nghiêm, vừa tạo sự bề thế cho công trình kiến trúc từ đường. Nơi cao nhất của hậu đường đặt khám thờ tổ nghành Đỗ là Đỗ Phúc Dũng, hàng thứ hai đặt ngai thờ Thủy tổ Đỗ Phúc Hưu, tiếp đó là ngai thờ các vị tổ đời thứ 3, thứ 4 cùng các vị tổ mẫu, tổ cô của dòng họ.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược Từ đường họ Đỗ là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương.

Năm 1949 – 1954, Từ đường họ Đỗ là nơi cất giấu vũ khí và tài liệu bí mật, cũng là nơi nuôi dưỡng cán bộ của huyện Giao Thủy.

Trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965 – 1975), từ đường họ Đỗ được Bưu điện huyện Giao Thủy đặt làm tổng đài cho cơ quan.

Từ đường họ Đỗ còn lưu giữ nhiều nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian, nhằm tri ân công đức của các vị tổ trong dòng họ. Hằng năm tại từ đường diễn ra 3 kỳ lễ:

Lễ kỉ niệm ngày nhận sắc phong của Thủy tổ Đỗ Phúc Hưu: ngày 14 – 15 tháng 2 (âm lịch) là ngày nhận sắc phong của Thủy tổ Đỗ Phúc Hưu.

Ngày giỗ tổ chi Đỗ Phúc Dũng diễn ra trong 2 ngày 23 và 24 tháng 4, đây là ngày giỗ tổ của chi.

Ngày giỗ Thủy tổ Đỗ Phúc Hưu diễn ra trong hai ngày 14 và 15 tháng 11 âm lịch hàng năm.

Những sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa diễn ra hàng năm tại Từ đường họ Đỗ không chỉ là dịp để con cháu trong dòng họ ôn lại công lao của các bậc tiên tổ mà còn là dịp con cháu trong dòng họ cùng nhau chia sẻ, thắt chặt tình đoàn kết, để cùng nhau xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.

Từ những giá trị tiêu biểu về lịch sử, khoa học và thẩm mỹ nêu trên, UBND tỉnh Nam Định ra quyết định xếp hạng từ đường họ Đỗ xã Giao Châu, huyện Giao Thủy là Di tích lịch sử, tạo điều kiện để địa phương bảo vệ và phát huy giá trị ngày một tốt hơn.

Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Giao Thủy