image banner
Mời họp

image advertisement



Di tích lịch sử Từ đường họ Vũ Hữu xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định
Lượt xem: 2889
 
Từ đường họ Vũ Hữu được tọa lạc tại xóm 10 Quyết Tiến, xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Là nơi  thờ Thủy tổ Vũ Phúc Lương và các vị tổ kế thành

Theo các nguồn tư liệu lịch sử thì xã Giao Tiến trước đây có tên gọi là Hòe Nha - một vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với công cuộc quai đê, lấn biển diễn vào khoảng nửa cuối thế kỷ XV.

Đến năm 1787 sau sự kiện “Ba Lạt phá hội” dòng sông Hồng đột biến đổi dòng chảy về phía của Ba Lạt, Hòe Nha bị nước tràn vào đã phá hủy toàn bộ đất đai nhà cửa của nhân dân. Vì vậy, dân làng phải dời chỗ ở về phía cửa Hà Lạt và lấy tên địa danh mới là Hoành Nha.

Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, Hoành Nha là một xã thuộc tổng Hoành Nha, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Cách mạng tháng Tám thành công, các đơn vị hành chính có sự điều chỉnh đồng loạt theo nguyên tắc, bãi bỏ cấp tổng, lập cấp xã trên cơ sở hợp nhất nhiều làng cũ, đồng thời thay đổi tên gọi thành xã Giao Tiến.

Ngày 12/12/1967 theo quyết định của Chính phủ số 174/QĐ-CP sát nhập hai huyện Giao Thủy và Xuân Trường thành huyện Xuân Thủy. 3 xã Giao Hùng, Giao Thắng, Giao Tiến được hợp thành xã Giao Tiến.

Ngày 26/2/1997, tách huyện Xuân Thủy thành hai huyện Giao Thủy và Xuân Trường, xã Giao Tiến thuộc huyện Giao Thủy.

Trải qua nhiều lần thay đổi địa chính giới, đến nay Giao Tiến là một trong 22 xã, thị trấn của huyện Giao Thủy, địa bàn xã chia thành 3 thôn: Quyết Tiến, Quyết Thắng và Hùng Tiến. Từ đường họ Vũ Hữu được xây dựng trên địa bàn xóm 10 Quyết Tiến.

Vào thời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức (1460 – 1497), triều đình ban hành nhiều chính sách để khuyến khích phát triển nông nghiệp, đồng thời cho phép dân phiêu tán được đi khai hoang những vùng đất bãi ven sông, ven biển, ruộng đất bỏ hoang để lập đồn điền mở rộng diện tích canh tác, lập nên những miền quê mới.

Những vị tổ đầu tiên đặt chân tới vùng đất Hoành Nha cùng hợp sức khai hoang lần lượt thuộc các dòng họ: Nguyễn, Hoàng, Lê, Vũ, Cao…

Từ đường họ Vũ thờ Thủy tổ Vũ Phúc Lương và các vị tổ kế thành.

Thủy tổ Vũ Phúc Lương, sinh năm Đinh Dậu triều vua Lê Thế Tông niên hiệu Quang Hưng thứ 2 (1597), mất năm Phúc Thái 7 (1649).

Khoảng đầu thế kỷ thứ XVII, Thủy tổ từ vùng đất Đan Loan, Hải Dương về mảnh đất Hoành Nha góp công, góp của cùng các vị tổ của dòng họ Nguyễn, Hoàng, Lê, Cao… chiêu mộ nhân dân trong vùng quai đê lấn biển lập nên vùng đất Hoành Nha.

Cùng với việc khai khẩn đất đai, tạo dựng làng xóm, Thủy tổ Vũ Phúc Lương cùng Thủy tổ các dòng họ còn lại quan tâm đến việc xây dựng các công trình phúc lợi, tôn giáo, tín ngưỡng phục vụ  cho nhu cầu sinh hoạt cũng như đời sống tinh thần của nhân dân trên vùng đất mới. Bên cạnh các công trình tôn giáo, tín ngưỡng các tổ còn cho bắc cầu, mở chợ để nhân dân đi lại giao lưu buôn bán đễ dàng.

Ghi nhớ công lao của Thủy tổ Vũ Phúc Lương, sau khi ông qua đời, con cháu trong dòng họ đã xây dựng từ đường, lập thần vị tôn thờ ông làm Thủy tổ của dòng họ. Thần vị thờ Thủy tổ được đặt trang trọng ở gian chính giữa tòa hậu đường, hãm trung trên thần vị ghi dòng chữ Hán: Thái tổ khảo hậu phật tự Lương Phúc, đạo hiệu Huyền Khang Sướng Nguyên tiên sinh thần vị.

Về đời tư, Thủy tổ Vũ Phúc Lương sinh được 3 người con: con trưởng Vũ Ngọc Cẩm, con thứ Vũ Ngọc Tri và con út Vũ Ngọc Lãng.

Kế tục sự nghiệp khẩn hoang của Thủy tổ Vũ Phúc Lương, các thế hệ hậu duệ của tổ còn tiếp tục đóng góp công sức vào công cuộc khẩn hoang mở đất để hình thành nên các miền quê mới, tiêu biểu trong số đó có tổ Vũ Đình Bút (đời thứ 4) trong quá trình khai hoang phục hóa mở rộng diện tích đất đai xuống phía cửa biển Hà Lạn, dân ấp Hòe Nhai đã gặp phải thiên tai, lũ lụt, mất mùa đói kém, tổ Vũ Đình Bút đã đem hết tài sản của nhà ra nộp thuế cho nhân dân địa phương, giúp dân vượt qua hoàn cảnh khó khăn, yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống. Ghi nhớ công lao của tổ Vũ Đình Bút, sau khi mất dân làng suy tôn ông là bậc Hậu thần của làng – được thờ cùng Thành hoàng làng trong cung cấm của đền Thượng.

Công trình kiến trúc của Từ đường họ Vũ Hữu tọa lạc trên một khu đất cao ráo, thoáng đãng, có diện tích rộng 841m2 , mặt quay hướng Nam.

 
Nghi môn của từ đường Vũ Hữu

Trên mặt bằng tổng thể, Từ đường họ Vũ Hữu bao gồm các hạng mục kiến trúc: Nghi môn, sân và công trình kiến trúc Từ đường.

Nghi môn: Nghi môn của Từ đường quay hướng Đông, được  xây dựng khang trang bề thế với ba cổng ra vào gồm một cổng chính và hai cổng phụ. Cổng chính có kích thước rộng 3,20m, được thiết kế theo cổ đẳng hai tầng 8 mái, lợp ngói nam với các đầu đao uốn cong mềm mại. Phần cổ đẳng nối giữa lớp mái trên và mái dưới có nhấn nổi 3 chữ Hán: “Vũ Hữu tộc”. Dưới lớp mái tạo ba khoang cửa cuốn vành mai, phân cách giữa các cổng là cột trụ vuông, giữa mỗi cột có nhấn câu đối chữ Hán ca ngợi công lao của các vị tổ. Nối liền với nghi môn là hệ thống tường bao xây kép kín bảo vệ công trình.

Sân từ đường: Từ nghi môn vào từ đường là một khoảng sân rộng 200m2 được lát bằng gạch đỏ theo hình chữ “công”, thuận tiện cho việc tế lễ.

Công trình kiến trúc từ đường: Mặt quay hướng Nam với bố cục mặt bằng kiểu “chữ tam” gồm 3 tòa: Tiền đường, trung đường và hậu đường.

Tòa tiền đường chia thành 3 gian có kích thước dài 9,05m, rộng 7,20m, hiên rộng 2,20m, bộ mái lợp ngói nam, giữa đường bờ nóc đắp họa tiết rồng chầu mặt trời.

 
Mặt trước của Từ đường

Phần cốt nền tiền đường cao hơn mặt sân 0,60m, lát bằng gạch đỏ, phía trước tạo bậc lên xuống. Hai đầu hồi phía trước tiền đường xây hai cột trụ biểu bằng bê tông cốt thép cao 5.0m, cạnh  0.45m, đỉnh trụ đắp nghê chầu, thân trụ tạo viền chỉ, nhấn nổi câu đố bằng chữ Hán, nội dung ca ngợi công lao của tổ tiên, đế trụ đắp hình cổ bồng.

Bộ cửa tòa tiền đường được gia công bằng gỗ lim theo kiểu thượng song hạ bản, chạy dọc 3 gian công trình. Mỗi khoang cửa gồm 4 cánh, kích thước cao 2,20m, rộng 0,60m (cửa giữa) và 0,50m (cửa hai bên).

Bộ khung tòa tiền đường được liên kết với nhau bởi 4 vì kéo kiểu 3 hàng chân cột. Để tạo nên bộ khung tòa tiền đường ở đây có 3 dạng vì liên kết chủ yếu là: Vì nóc, vì nách và liên kết hiên.

Trung đường có kích thước dài 9,0m, rộng 5,80m, được chia làm 3 gian. Phần mái công trình lợp ngói nam, nền công trình lát gạch đỏ.

Bộ khung tòa trung đường cũng được làm bằng gỗ lim thiết kế theo kiểu chồng rường, trốn cột giống với khung của tiền đường. Nâng đỡ 4 bộ vì là hệ thống 12 cây cột trong đó có 6 cây cột gỗ và 6 cột gạch giả gỗ.

Ngăn cách giữa trung đường và hậu đường là 3 khoang cửa cuốn vành mai, kích thước cao 3,55m, rộng 2,60m (cửa giữa) và 2,30m (hai cửa bên).

Hậu đường được xây dựng hoàn toàn bằng chất liệu bê tông cốt thép, thiết kế theo kiểu cuốn vòm, chồng lâu 2 tầng 8 mái, gắn ngói nam, nền lát gạch đỏ.

Cung thờ bên trong xây bệ trên đặt khám cùng ngai và bài vị thờ Thủy tổ Vũ Phúc Lương, cung ngoài thờ các vị tổ kế thành.

Các hạng mục công trình của Từ đường họ Vũ Hữu đã được hưng công trùng tu, tôn tạo lại song đều khá hợp lý, tạo thành một chỉnh thể kiến trúc hoàn chỉnh, bảo lưu được những giá trị kiến trúc truyền thống.

Từ đường họ Vũ Hữu, xã Giao Tiến là công trình được con cháu dòng họ xây dựng lên để thờ tự và tri ân công đức đối với Thủy tổ Vũ Đức Lương, người đã đóng góp nhiều công lao trong công cuộc khẩn hoang, tạo lập mảnh đất Hoành Nha.

Công trình kiến trúc Từ đường lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị như: Gia phả, câu đối, đại tự, ngai và bài vị…góp phần làm tăng thêm giá trị nghệ thuật cho di tích.

Trong những năm cả nước tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược, cùng với sự đóng góp của con cháu dòng họ Vũ, ngôi Từ đường cũng là địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương, đóng góp một phần không nhỏ cùng quân dân cả nước đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Cách mạng tháng 8 thành công, chính quyền về tay nhân dân lao động. Ngày 21/8/1945, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Giao Thủy thành công. Ngay sau đó, Ủy ban cách mạng lâm thời huyện đã cử cán bộ Việt Minh về 3 thôn: Thượng, Chính, Trung cùng nhân dân tổ chức mít tinh, giành chính quyền và công bố 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh. Hòa vào khí thế chung của nhân dân trong xã, con cháu họ Vũ tích cực tham gia xây dựng chính quyền, các đoàn thể Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc… Mọi người trong dòng họ đã động viên thuyết phục con em tham gia lực lượng dân quân tự vệ, lên đường tòng quân giết giặc.

Ngày 4/9/1945, Chính phủ ban Sắc lệnh về “Quỹ độc lập” và phát động “Tuần lễ vàng” nhằm động viên sức đóng góp của nhân dân để ủng hộ nền độc lập của Tổ quốc. Cùng với nhân dân trong huyện, xã, con cháu dòng họ Vũ đã tiết kiệm đóng góp vào quỹ cứu nước. Trong đó có gia đình bà Vũ Thị Hoan đã ủng hộ vào “Quỹ độc lập” 1 cân đồng vàng.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954), Từ đường họ Vũ Hữu còn là địa điểm mở các lớp Bình dân học vụ, bổ túc văn hóa con em và nhân dân địa phương.

Những năm tháng miền Bắc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược (1954 -1975), ngôi từ đường trở thành địa điểm sơ tán của Ngân hàng huyện và là nơi đưa tiễn, thể hiện quyết tâm lên đường tòng quân giết giặc của các thế hệ con cháu dòng họ.

Từ đường còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dòng họ và làng xóm quê hương. Hằng năm tại Từ đường còn diễn ra nhiều lễ tiết để con cháu trong họ ôn lại công lao của tổ tiên, thắt chặt tình đoàn kết xây dựng dòng họ, quê hương ngày một giàu đẹp như:

Kỳ lễ tháng 3 (kỵ Thủy tổ) là kỳ đại lễ của dòng họ được tổ chức trong 2 ngày mồng 9 và mồng 10. Vào dịp này, con cháu họ Vũ làm ăn, sinh sống trên khắp mọi miền Tổ quốc đều tề tựu đông đủ tại từ đường để làm lễ giỗ Tổ.

Kỳ lễ tháng 7 (lễ kỵ tổ Vũ Ngọc Cẩm húy Điền – con trai Thủy tổ Vũ Phúc Lương) được con cháu dòng họ tổ chức vào ngày mổng 10.

Ngoài ra còn nhiều lễ chính hằng năm vào những ngày Thanh Minh, Tết Đoan Ngọ, lễ Vu Lan, lễ Tất niên, Giao thừa và các ngày sóc, vọng hàng tháng, con cháu dòng họ đều đến dâng hương, lễ tổ tại Từ đường.

Từ những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ trên đây, từ đường Vũ Hữu xã Giao Tiến đã được công nhận là di tích lịch sử. Đây chính là nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với con cháu của dòng họ, đồng thời cũng là nguồn khích lệ con cháu dòng họ Vũ Hữu nói chung và nhân dân địa phương nói riêng bảo tồn và phát huy giá trị của di tích ngày càng phát triển hơn.

Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Giao Thủy