image banner
Mời họp

image advertisement



Di tích lịch sử Từ đường họ Phùng thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định
Lượt xem: 2273

Từ đường họ Phùng trước đây thuộc thôn Hoành Nhị, xã Hoành Sơn, nay thuộc tổ dân phố số 6, thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, xã Hoành Sơn gồm các làng: Hoành Tam, Hoành Tứ, Hoành Lộ, Hoành Nhị và Khắc Nhất. Từ đường họ Phùng thuộc thôn Hoành Nhị, xã Hoành Sơn.

Năm 1947, xã Hoành Tam, Hoành Tứ, Hoành Lộ sáp nhập thành xã Liên Hoành. Xã Hoành Nhị và Khắc Nhất sáp nhập thành xã Hoành Sơn. Năm 1952, xã Hoành Sơn đổi tên thành xã Giao Sơn. Năm 1956, xã Giao Sơn tách thành 6 xóm: Hà, Thủy, Hồng, Châu, Long, Hải và 3 thôn: Sơn Đài, Sơn Thọ, Sơn Lâm. Từ đường họ Phùng thuộc thôn Sơn Thọ, xã Giao Sơn.

Năm 1969, xã Giao Sơn và Giao Hoành hợp nhất thành xã Hoành Sơn. Ngày 30/4/1986, thị trấn Ngô Đồng thành lập, xã Hoành Sơn tách một phần của các thôn Sơn Thọ, Sơn Đài về thị trấn Ngô Đồng. Từ đây, từ đường họ Phùng thuộc địa bàn thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy.

 
Toàn cảnh từ đường họ Phùng

Theo cuốn Họ Phùng trong tiến trình lịch sử cùng nội dung câu đối, đại tự, thần vị lưu giữ tại từ đường thì dòng họ Phùng ở thị trấn Ngô Đồng có nguồn gốc từ Sơn Tây (Hà Nội). Thủy tổ của dòng họ là ông Phùng Khắc Thọ (tự Phúc Thọ). Ông là con trai thứ hai của ông Phùng Khắc Trung, là hậu duệ đời thứ 3 của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan và là người có công lập làng Hoành Nhị.

Vào khoảng những năm cuối thế kỷ XV, dưới triều vua Lê Thánh Tông (1470 - 1497), bên cạnh những chính sách khuyến nông tích cực để phát triển kinh tế, mở rộng đất đai canh tác, triều đình nhà Lê còn chủ trương khuyến khích nông dân ở những nơi ít ruộng hoặc không có ruộng đến khai khẩn đất hoang tại các bãi bồi ven sông, ven biển (thuộc Nam Định ngày nay) để thành lập những miền quê mới. Nhân dân nhiều nơi đã tìm đến khai hoang, lập ấp trong đó có con cháu dòng họ Phùng.

Khi công cuộc khai hoang vùng đất bãi bồi ven sông, ven biển của Nam Định đang được tiến hành, thì bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh giữa hai thế lực phong kiến Trịnh, Mạc nên con cháu họ Phùng lại quay về quê cũ Sơn Tây để sinh sống. Đến thế kỷ thứ XVIII, dòng họ Phùng ở Sơn Tây lại có sự di cư. Tổ Phùng Khắc Thọ trở lại mảnh đất Hoành Lộ tiếp tục công cuộc khai hoang.

Sau khi chuyển đến vùng đất mới, tổ Phùng Khắc Thọ nhận thấy nơi đây là vùng đất rộng, người thưa phải cần nhiều lao động mới khai phá được. ông cùng với 4 người con trai là Phúc Lã, Phúc Tâm, Phúc Kim, Phúc Lịch và các tổ của dòng họ Doãn, Bùi đứng lên chiêu tập nhân dân khai hoang lấn biển để lập nên vùng đất Hoành Nhị. Ban đầu các tổ đã tìm đến dải đất ven sông dựng nhà để ở, dựa vào đồng điền bằng phẳng để sản xuất, sau đó san gò lấp trũng, đào sông, đắp đê để bảo vệ đồng ruộng. Một thời gian sau các họ Nguyễn, Phạm, Lê, Tô, Đoàn đưa cả gia đình, họ hàng xuống hợp sức cùng khai khẩn.

Ghi nhận công lao tạo lập làng xã của các vị tổ, sau khi xây dựng chùa Nổi Hoành Nhị, nhân dân đã lập bài vị thờ ba vị tổ đầu tiên có công lập làng Hoành Nhị, là các tổ họ Phùng, họ Bùi và họ Doãn.

Khi mới lập làng Hoành Nhị, bốn người con trai của tổ Phùng Khắc Thọ sống tập trung ở làng Cựu (nay thuộc TDP 5,6 thị trấn Ngô Đồng). Về sau để thuận lợi cho công việc, tổ Phùng Phúc Lã, Phùng Phúc Kim chuyển đến khu vực Trại Bể (xã Giao Hà), tổ Phùng Phúc Tâm chuyển đến Trại Đồng (xã Hoành Sơn) và tổ Phùng Phúc Lịch ở lại làng Cựu để phát triển dòng họ. Hàng năm, cứ đến dịp giỗ, tết, con cháu các tổ Phùng Phúc Lã, Phúc Tâm, Phúc Kim lại về làng Cựu để cúng giỗ tổ tiên.

 
Nghi môn của từ đường được thiết kế theo kiểu tứ trụ, mặt quay hướng Tây.

Sau này, để ghi nhớ công ơn người đã đặt nền móng cho sự hình thành lên dòng họ Phùng làng Hoành Nhị (thị trấn Ngô Đồng ngày nay), con cháu trong dòng họ đã suy tôn ông Phùng Khắc Thọ làm thủy tổ của dòng họ và tạc tượng thờ tại tòa hậu đường.

Từ đường họ Phùng còn thờ tổ Phùng Phúc Nghiễm, là hậu duệ đời thứ 3 của Thủy tổ Phúc Khắc Thọ,  (con trai của tổ Phùng Phúc Tâm). Sau khi cùng cha chuyển đến đất Trại Đồng (thuộc xã Hoành Sơn ngày nay), là vùng đất mới được khai khẩn còn hoang sơ, tổ Phùng Phúc Nghiễm cùng với tổ các dòng họ Đoàn, Bùi, Nguyễn, Phạm, Lê, Tô tiến hành đào sông, bắc cầu, mở mang đường xá phát triển sản xuất. Nhiều cánh đồng trước đây chỉ cấy được một vụ thì nay các tổ cho đắp bờ vùng, bờ thửa để giữ nước cấy thành hai vụ, các tổ còn tìm được những giống lúa, hoa màu phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng để đạt năng suất cao, nhờ đó mà đời sống nhân dân ngày càng ổn định.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, tổ Phùng Phúc Nghiễm và các vị tổ còn quan tâm đến việc xây dựng các công trình phúc lợi, tôn giáo để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cũng như đời sống tinh thần của nhân dân. Các công trình tín ngưỡng như Chùa Nổi, đền Chính thờ thần Linh Lang, miếu Bắc thờ bà Đức Thánh Chầu (thuộc thị trấn Ngô Đồng) vừa để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng vừa là biện pháp tâm linh động viên tinh thần vượt khó, tạo quyết tâm dốc sức đồng lòng cùng nhau khai khẩn, ổn định cuộc sống cho người dân.

Ghi nhớ công lao của tổ Phùng Phúc Nghiễm, sau khi ông mất nhân dân địa phương suy tôn là Bản cảnh Thành hoàng và triều vua Khải Định năm thứ 9 (1924) đã ban sắc phong.

Từ đường họ Phùng ngoài thờ thủy tổ Phùng Khắc Thọ, tổ Phùng Phúc Nghiễm còn phối thờ hai bà cô tổ và các vị tổ kế thành của dòng họ từ đời thứ 2 đến đời thứ 6. Trong các vị tổ được phối thờ tại từ đường thì tổ Phùng Phúc Chuyên là người có nhiều công lao với quê hương. Ông là con trai của tổ Phùng Phúc Nghiễm và là hậu duệ đời thứ 4 của thủy tổ Phùng Khắc Thọ. Ông là người đã có công chiêu mộ nhân dân khai hoang mở đất để lập nên làng Khắc Nhất (thuộc xã Hoành Sơn). Sau khi mất, ông được nhân dân làng Khắc Nhất suy tôn làm Thành hoàng làng và thờ ở đền Khắc Nhất, được con cháu dòng họ Phùng phối thờ tại từ đường.

Từ đường họ Phùng tọa lạc trên một khu đất cao ráo, mặt quay hướng Tây, phía trước là trục đường liên xã, ba mặt tiếp giáp khu dân cư.

Nghi môn của từ đường được thiết kế theo kiểu tứ trụ, mặt quay hướng Tây. Hai trụ lớn có kích thước cao 5,6m, cạnh vuông 0,5m, chân đế đắp hình cổ bồng, thân tạo gờ chỉ đắp nổi câu đối chữ Hán, đỉnh trụ đắp họa tiết hình rồng, vân mây. Để tạo thành cổng vào di tích phần giữa hai đỉnh trụ xây một vòng cung theo kiểu cuốn vành mai, phía trên đắp hình cuốn thư, khắc nổi ba chữ Hán “Phùng tộc đường” (Từ đường họ Phùng). Hai trụ nhỏ có kích thước cao 3,6m, đỉnh trang trí họa tiết hình búp sen, lồng đèn. Nối giữa trụ nhỏ và trụ lớn là bức tường xây bằng gạch cao 1m tạo thế vững chắc cho công trình.

Công trình kiến trúc của từ đường được xây dựng theo kiểu “tiền chữ nhất hậu chữ đinh” gồm 3 tòa: tiền đường, trung đường và hậu đường.

Hiên từ đường tạo bậc tam cấp để lên xuống. Mái hiên đắp họa tiết rồng chầu mặt trời, hai đầu hồi dựng 2 cột hoa biểu, đỉnh cột đắp họa tiết hình sư tử, lồng đèn, thân cột hình vuông nhấn đôi câu đối bằng chữ Hán, nội dung ca ngợi công lao mở đất của tổ tiên, chân cột xây kiểu thắt cổ bồng. Phía dưới hiên tạo thành 3 khoang cửa cuốn vành mai, ngăn cách giữa các khoang cửa là cột trụ trên nhấn câu đối bằng chữ Hán, nội dung nói về công lao khai hoang mở đất của tổ tiên.

 
Mặt trước của Từ đường

Bộ cửa tiền đường theo kiểu “bức bàn” bằng gỗ lim chia làm 3 khoang cửa, mỗi khoang có 4 cánh. Mái tòa tiền đường đơn giản gồm 2 mái dốc, lớp ngói nam, trên mái xây đường bờ nóc, tại hai đầu kìm của bờ nóc đắp hình vân mây, bờ dải xây kiểu giật cấp có đắp đấu trụ tạo thế vững chắc cho công trình.

Tòa tiền đường được chia thành 3 gian, bộ khung gồm 4 bộ vì thiết kế theo kiểu câu đầu ván mê, mỗi bộ vì được làm trốn cột cái ở vì nách phía trước. Nâng đỡ 4 bộ vì là hệ thống cột gồm 4 cột cái và 8 cột quân, 4 cột cái được làm bằng gỗ lim, theo kiểu búp đòng; 8 cột quân bằng gạch. Cấu kiện cơ bản của 4 bộ vì gồm: ván mê, trụ lửng, câu đầu và chia làm 2 phần chính: vì nóc và vì nách, hai vì này đều được làm theo kiểu ván mê. Trên mỗi bộ vì tất cả các ván mê đều được soi chỉ, khoét mộng, một đầu được đặt trên cấu kiện hoành của vì mái, một đầu được đặt trực tiếp lên câu đầu.

Tòa tiền đường thông sang tòa trung đường là 3 khoang cửa cuốn vành mai và được thiết kế tương tự như 3 khoang cửa ở tòa tiền đường. Tòa trung đường chia làm 1 gian 2 chái. Bộ khung tòa trung đường được làm bằng gỗ, gồm 2 bộ vì kèo theo kiểu kèo cầu quá giang, đều được làm trốn cột cái, nâng đỡ 2 bộ vì gồm 4 cột quân làm bằng gạch.

Tòa hậu đường được xây nối mái với tòa trung đường. Hậu đường gồm 1 gian xây cuốn vòm, trên gắn ngói nam, bên trong đặt bệ thờ. Tại đây bài trí khám, tượng thờ thủy tổ Phùng Khắc Thọ, tổ Phùng Phúc Nghiễm cùng ngai và bài vị của các vị tổ trong dòng họ.

Họ Phùng thị trấn Ngô Đồng là một dòng họ giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Khi cách mạng tháng 8 năm 1945 bùng nổ, hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh, nhân dân cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, nhiều người con của dòng họ Phùng đã hăng hái tham gia. Trong thời gian này, từ đường được chọn là cơ sở hoạt động của dân quân du kích địa phương. Sau thành công của cách mạng tháng 8, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phong trào “diệt giặc dốt”, xã Hoành Sơn đã thành lập các lớp Bình dân học vụ, từ đường họ Phùng trở thành lớp học bình dân của con em trong thôn.

Trong thời kỳ cách mạng từ năm 1949 đến năm 1952, huyện Giao Thủy bị Pháp chiếm đóng và tập trung xây dựng, phát triển bộ máy ngụy quân, ngụy quyền, tăng cường càn quét, bắt bớ cán bộ du kích nhằm triệt phá các cơ sở cách mạng. Từ đường họ Phùng trở thành kho chứa lương thực thực phẩm phục vụ việc nuôi giấu cán bộ Việt Minh và bộ đội huyện Giao Thủy.

Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược (1965 - 1975), từ đường là nơi đưa tiễn con em trong dòng họ lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc.

Hàng năm, tại từ đường con cháu trong dòng họ thường tổ chức 2 kỳ lễ chính: lễ kỷ niệm ngày mất của tổ Phùng Khắc Nghiễm (ngày 25 tháng 9 âm lịch) và thủy tổ Phùng Khắc Thọ (ngày 15 tháng 12 âm lịch).

Ngoài các kỳ lễ trên, hàng năm, vào những ngày Sóc (mồng 1) và vọng (ngày 15) hàng tháng, các ngày lễ tiết trong năm thì con cháu đền đề Từ đường cầu tổ tiên phù hộ cho mọi việc tốt đẹp. Những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tại Từ đường họ Phùng hiện nay chỉ diễn ra trong phạm  vi hẹp nhưng phần nào phản ánh được lòng biết ơn của con cháu đối với các vị tổ, những người đã sinh thành và gây dựng lên cuộc sống tốt đẹp cho con cháu ngày nay. Bên cạnh đó giúp cho tình đoàn kết của con cháu trong dòng họ.

Từ những giá trị tiêu biểu về lịch sử như trên, Từ đường họ Phụng thị trấn Ngô Đồng đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh góp phần động viên con cháu dòng họ và nhân dân địa phương bảo tồn và phát huy giá trị của di tích ngày càng tốt hơn.
Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Giao Thủy