image banner
Mời họp

image advertisement





UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai phương hướng nhiệm vụ trọng tâm công tác PCTT&TKCN năm 2022.
Lượt xem: 126
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ những mặt còn tồn tại như ý thức chấp hành chưa cao, việc xử lý các vi phạm trước đây chưa dứt điểm, hiện tượng đuối nước còn xảy ra. Đồng chí đề nghị các Sở, ngành, thành viên BCH PCTT&TKCN và huyện, thành phố rà soát, kiện toàn BCH PCTT&TKCN, giao trách nhiệm cho từng thành viên để khi thiên tai xảy ra sẽ thực hiện theo nhiệm vụ đã phân công; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và kỹ năng phòng chống thiên tai, phòng chống đuối nước cần được tăng cường; tham mưu tổ chức kiểm tra hệ thống đê kè, đặc biệt là đê biển; rà soát các điểm xung yếu để có phương án đầu tư; xử lý dứt điểm các vi phạm về đê điều.

Dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh, Hội nghị trực tuyến phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi đã đánh giá kết quả công tác PCTT&TKCN năm 2021, triển khai phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. Tại điểm cầu huyện Giao Thủy có đồng chí Phạm Quang Ái - TUV, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, đồng chí Doãn Quang Hùng - Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện.

anh tin bai

Đồng chí Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị PCTT&TKCN năm 2022.

Năm 2021, thiên tai trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến bất thường với gần 380 trận thiên tai, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Tại tỉnh Nam Định chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi 3 cơn bão, một áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu bão số 3, thiệt hại trên địa bàn tỉnh ước tính trên 120 tỷ đồng. UBND tỉnh đã chỉ đạo xử lý kịp thời các sự cố đê, kè sạt sập do triều cường, gió mạnh trên biển, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều. Các Công ty KTCTTL tiêu thoát nước giảm thiểu thiệt hại do ngập úng gây ra, triển khai các phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Để chủ động PCTT&TKCN, ngay từ đầu năm, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai, xây dựng kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ PCTT, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, các ngành tại địa phương. Đồng thời xây dựng phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai; phương án phòng chống bão mạnh, siêu bão theo phương châm “4 tại chỗ” theo từng loại hình thiên tai cụ thể. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó của các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng về phòng chống thiên tai được tăng cường. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân nắm được các quy định của pháp luật trong hoạt động thủy sản của Việt Nam, quốc tế. Tổ chức tập huấn, huấn luyện cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng tàu cá hoạt động khai thác xa bờ về quy trình xử trí các tình huống khi gặp sự cố, tai nạn trên biển.

anh tin bai

Đồng chí Doãn Quang Hùng - Chủ tịch UBND huyện phát biểu tham luận tại hội nghị.

Đối với huyện Giao Thủy, đầu năm 2021, UBND Huyện kiện toàn BCH PCTT-TKCN, xây dựng phương án bảo vệ 4 trọng điểm cấp huyện; phương án hộ đê toàn tuyến và giao chỉ tiêu nhân lực, vật tư dự trữ, phương tiện phòng thiên tai tại các xã, thị trấn; tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn tại xã Giao Long, diễn tập phòng thủ dân sự, ứng phó với siêu bão tại thị trấn Quất Lâm và Giao Thịnh. Năm qua trên địa bàn huyện không có bão lớn đổ bộ nhưng bị ảnh hưởng mưa lớn của bão số 7, số 8 gây thiệt hại trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; các đợt triều cường, sóng lớn gây thiệt hại tuyến kè bảo vệ khu du lịch Quất Lâm. Tuy nhiên, với sự chủ động, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, các cấp từ huyện đến cơ sở kịp thời khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Tranh thủ sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh đầu tư tu bổ, nâng cấp một số công trình đê điều, công trình thủy lợi phục vụ phát triển, du lịch, dịch vụ ổn định đời sống nhân dân như tu sửa, nâng cấp tuyến đê, kè tả sông Sò Đồng Hiệu - thị trấn Quất Lâm, đào đắp gần 180 nghìn m3 thủy lợi nội đồng. Các xã, thị trấn đã chuẩn bị vật tư phục vụ PCTT&TKCN theo phương châm 4 tại chỗ với trên 140 nghìn cây tre, phi lao, cọc tre, bao nilon cùng 122 xe ô tô tải, 19 nghìn m3 đất dự trữ, tuyên truyền các trường hợp tự giác tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm đê điều và công trình thủy lợi. Tham luận tại hội nghị, đồng chí Doãn Quang Hùng - Chủ tịch UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh, Sở NN&PTNT quan tâm, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ nạo vét cửa Hà Lạn, kiên cố hóa mặt đê tuyến tả sông Sò.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Nam Định, năm 2022 thời tiết, thủy văn sẽ diễn biến phức tạp và khó lường, BCH PCTT&TKCN tỉnh xác định 24 trọng điểm xung yếu cần đặc biệt chú ý trong công tác phòng chống lụt bão. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ những mặt còn tồn tại như ý thức chấp hành của người dân về phòng chống thiên tai chưa cao; việc xử lý các vi phạm trước đây chưa dứt điểm, hiện tượng đuối nước còn xảy ra. Đồng chí đề nghị các Sở, ngành, thành viên BCH PCTT&TKCN và huyện, thành phố rà soát, kiện toàn BCH PCTT&TKCN, giao trách nhiệm cho từng thành viên để khi thiên tai xảy ra sẽ thực hiện theo nhiệm vụ đã phân công; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và kỹ năng phòng chống thiên tai, phòng chống đuối nước cần được tăng cường; tham mưu tổ chức kiểm tra hệ thống đê kè, đặc biệt là đê biển; rà soát các điểm xung yếu để có phương án đầu tư, xử lý. Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đê điều, thủy lợi và phải nghiêm túc tuân thủ theo quy định của pháp luật trong đầu tư xây dựng công trình; nghiêm túc xử lý dứt điểm các vi phạm về đê điều; chủ động xây dựng phương án ứng phó với từng tình huống bão lũ. Đài Khí tượng Thủy văn bám sát tình hình thời tiết, cảnh báo, dự báo diễn biến khí tượng thủy văn kịp thời chính xác, tham mưu cho BCH PCTT&TKCN tỉnh trong công tác chỉ đạo PCTT. Các Sở, ngành và các huyện, thành phố chủ động các điều kiện theo phương châm 4 tại chỗ.

Ngay sau hội nghị trực tuyến PCTT&TKCN do UBND tỉnh tổ chức, đồng chí Doãn Quang Hùng - Chủ tịch UBND Huyện yêu cầu các cơ quan, ban ngành, các xã, thị trấn nghiêm túc thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của cấp trên về công tác PCTT&TKCN. Đồng thời yêu cầu Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội, Phòng Giáo dục& Đào tạo, Công an huyện, hai Đồn Biên phòng và UBND các xã, thị trấn tăng cường tuần tra, nhắc nhở, hướng dẫn người dân, nhất là học sinh, sinh viên các biện pháp phòng tránh, chống đuối nước; cảnh báo và nghiêm cấm bơi, tắm tại các khu vực nguy hiểm, các khu vực nước sâu; Trung tâm VH-TT-TT, Đài truyền thanh các xã, thị trấn tăng thời lượng tuyên truyền để mỗi người dân nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng tránh, hạn chế các vụ việc đáng tiếc xảy ra./.

Cao Nhung

Trung tâm VH-TT-TT Giao Thủy