image banner
Mời họp

image advertisement





Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam”.
Lượt xem: 572
Để bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước, việc tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với vùng đất ngập nước cần được phối hợp đồng bộ, chặt chẽ. Lồng ghép và triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu liên quan tới đất ngập nước trong các chương trình phát triển cấp quốc gia và địa phương. Khai thác, sử dụng đất ngập nước khôn khéo, không làm biến đổi các chức năng dịch vụ và quá trình sinh thái theo tinh thần của Công ước Ramsar.

 

anh tin bai

Đồng chí Vũ Minh Lý - Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông tài nguyên-môi trường phát biểu tại hội nghị.

Trung tâm truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên-Môi trường phối hợp với Vườn Quốc gia Xuân Thủy tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam”. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên ủy ban Khoa học công nghệ môi trường Quốc hội, đồng chí Vũ Minh Lý - Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông Tài nguyên - Môi trường, đồng chí Nguyễn Tiến Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện, tới dự.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được thông tin những nội dung quan trọng về  đất ngập nước ở Việt Nam và Công ước Ramsar; tầm quan trọng của vùng đất ngập nước trong ứng phó biến đổi khí hậu; quản lý đất ngập nước và hiện trạng đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Vườn Quốc gia Xuân Thủy là một trong các khu rừng ngập nước quan trọng của Việt Nam. Đây là khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á với diện tích vùng bảo tồn rộng 7100 ha, bao gồm vùng bãi Cồn Lu, Cồn Ngạn, Cồn Xanh và vùng đệm rộng 8000ha, trong đó có gần 3000 ha rừng ngập mặn. Nơi đây, thực vật ưu thế là cây trang, bần, tra và ô rô mọc tự nhiên. Riêng trên Cồn Lu, cây phi lao được trồng với diện tích lớn, là sinh cảnh quan trọng cho các loài chim rừng di cư. Hệ động vật ở đây nổi bật với gần 220 loài chim. Có sự đa dạng về sinh học, nhân dân tại các địa phương nơi đây được hưởng nhiều lợi ích từ hệ sinh thái đất ngập nước Vườn Quốc gia Xuân Thủy như tham gia vào hoạt động khai thác thủy sản tự nhiên, sinh kế từ nuôi trồng thủy sản, sử dụng dịch vụ du lịch sinh thái. Đặc biệt, rừng ngập mặn bảo vệ bờ biển và góp phần phát triển bãi bồi. Hệ thống rừng ngập mặn có thể ngăn chặn hiệu quả các đợt sóng triều cường, nhất là khi có bão hoặc sóng thần. Tuy nhiên, tình hình khai thác hải sản bằng phương tiện hủy diệt, thay đổi phương thức sử dụng bãi triều, mặt nước như chuyển đổi đất rừng ngập mặn thành đầm nuôi tôm ở vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Thủy đã làm phân mảnh hệ sinh thái rừng ngập mặn. Việc hình thành bãi quây nuôi ngao, vạng với mật độ cao làm giảm các quần thể động vật, mặt khác có thể làm suy thoái môi trường cơ lý trầm tích bãi triều. Bên cạnh đó, chất thải hữu cơ từ các đầm nuôi trồng thủy sản, vùng nuôi ngao và các hoạt động sinh kế của nhân dân gây ô nhiễm môi trường.

anh tin bai

Đồng chí Vũ Quốc Đạt - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Thủy

trình bày hiện trạng đa dạng sinh thái tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy.

Những tác động này đã có tác động không nhỏ gây biến đổi khí hậu. Biểu hiện rõ nét nhất là cơn bão tháng 10 năm 2012 làm thay đổi đáng kể vị trí, địa hình của cồn Xanh, cồn Mờ, làm thay đổi độ sâu lạch giữa bờ ngoài Cồn Lu và Cồn Xanh, Cồn Mờ. Hiện tượng nước biển dâng khiến cho một phần diện tích rừng phi lao ngoài Cồn Lu bị ngập nước và chết; rét đậm, rét hại kéo dài đã khiến cho một số loài ngập mặn bị suy thoái kéo theo sự suy giảm về diện tích và chất lượng của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Vì vậy, bảo tồn, phục hồi đất ngập nước là yêu cầu cấp thiết để tăng thích ứng và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu từ đó duy trì các lợi ích về sinh thái, văn hóa và kinh tế-xã hội. Để thực hiện được điều này, việc tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với vùng đất ngập nước cần được phối hợp đồng bộ, chặt chẽ. Lồng ghép và triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu liên quan tới đất ngập nước trong các chương trình phát triển cấp quốc gia và địa phương. Khai thác, sử dụng đất ngập nước khôn khéo, không làm biến đổi các chức năng dịch vụ và quá trình sinh thái theo tinh thần của Công ước Ramsar. Khuyến khích nghiên cứu cách sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, phục hồi và phát triển các vùng đất ngập nước có khả năng chống chịu trước sự biến đổi khó lường của khí hậu. Triển khai các cách tiếp cận mới như đồng quản lý dựa vào cộng đồng, dựa trên hệ sinh thái. Tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông về bảo tồn và khai thác, sử dụng khôn khéo vùng đất ngập nước tới các tầng lớp nhân dân; tạo thu nhập thay thế, giúp cộng đồng giảm sức ép lên đất ngập nước; gắn hoạt động phát triển kinh tế với bảo tồn đất ngập nước; tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình trồng rừng ngập mặn ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu./.

Cao Nhung

Trung tâm VH-TT-TT Giao Thủy