image banner
Mời họp

image advertisement





Giao Thủy đầu tư có trọng điểm trên lĩnh xây dựng cơ bản.
Lượt xem: 4658
Nếu như thời điểm sau khi tái lập huyện, Giao Thủy gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng từ huyện đến cơ sở thiếu đồng bộ. Song với những hướng đi mới mang tính đột phá, huyện nhà đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn ngày càng được hoàn thiện khá đồng bộ. Huyết mạch giao thông nông thôn được nối liền, rộng khắp không chỉ tạo điều kiện cho thông thông, thuận lợi cho việc đi lại của người dân mà còn góp phần quan trọng cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

   

Tỉnh lộ 489 qua địa bàn Thị trấn Ngô Đồng được nâng cấp đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của nhân dân

      Để đẩy mạnh đầu tư trên lĩnh vực XDCB, huyện nhà đã chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ, củ thể. Trong những năm qua, huyện đã triển khai tích cực các dự án xây dựng cơ bản, hoàn thành các dự án lớn trọng điểm như: Tỉnh lộ 489, quốc lộ 37B, đường Tiến - Hải, đường Bình – Xuân, đường Thanh - Hương…Chỉ tính riêng năm 2016 có 24 công trình do xã, thị trấn là chủ đầu tư (Trong đó có trên 10 công trình đã đi vào sử dụng như: Nhà văn hóa xã Giao Nhân, Trạm y tế xã Giao Phong, đường gồ xã Giao Phong, tầng 2 Trường mầm non xã Hoành Sơn, Trạm y tế thị trấn Ngô Đồng…) với tổng kinh phí đầu tư khoảng gần 86 tỷ đồng. Cùng với đó, nhân dân tại các khu dân cư tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công để xây mới Nhà văn hóa xóm theo đúng quy chuẩn của bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM. Đến nay toàn huyện có 15/22 xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa xã NTM, điển hình trong phong trào xây mới nhà văn hóa xóm phải kể đến xã Giao Hải, năm 2016 xã đã tiến hành xây mới 12/18 nhà văn hóa, với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng (nguồn vốn do nhân dân tự nguyện đóng góp) nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại địa phương. Cùng với đó, xã Giao Thanh bằng nguồn vốn nội lực đã đầu tư có trọng điểm cho các công trình phúc lợi địa phương trong đó chủ yếu là tu sửa, nâng cấp các tuyến đường giao thông, Ông Trần Trọng Phẩm - CT UBND xã Giao Thanh cho biết: “Trong 2 năm gần đây toàn xã đã làm được trên 5km đường giao thông trong khu dân cư, với tổng trị giá trên 4 tỷ đồng, nguồn vốn do nhân dân đóng góp”

     
Công trình thủy lợi Đông Giao Thủy được kiên hóa năm 2014 

       Cùng với đó các công trình thủy lợi quan trọng cũng đang được xây dựng và nâng cấp đảm bảo an toàn phục vụ sản xuất, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn như: Cống Mốc Giang, cống Cai Đề, cầu Tiền Lang, kè Cống Chúa, kè Giao Hương, kè Thanh niên và kiên cố hóa trên 10 km đê biển, đê sông ở những vị trí xung yếu nhất đảm bảo an toàn chống bão lũ trong điều kiện bão cấp 10. Hàng năm, Công ty TNHH 1 TV KTCTTL Xuân Thủy thường xuyên tiến hành nạo vét các cửa cống, kênh cấp I, kênh cấp II với trị giá hàng chục tỷ đồng. Đầu tư gần 137 tỷ đồng cho công trình thủy lợi Đông Giao Thủy với 63 hạng mục. Cải tạo nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi, kiên cố hóa 1 số kênh mương chính; xây dựng lại, nâng cấp hàng trăm công trình cống đầu kênh cấp II và đập điều tiết nội đồng. Nâng cấp hệ thống thủy lợi Cồn Ngạn, kiên cố hóa kênh Cồn Nhất, xây mới cống Cồn Nhì, lắp hệ thống giám sát mặn tự động…lập quy trình vận hành cống điều tiết nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và các phương án phòng chống úng hạn cho từng vùng, từng lưu vực nhằm đáp ứng tưới tiêu cho gần 17.000 ha. 

     

Trụ  sở làm việc của Đảng ủy - HĐND - UBND xã Giao Thanh 

       Xác định hạ tầng giao thông nông thôn bền vững là tiêu chí quan trọng được các ngành và nhân dân trong huyện quan tâm,trong chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2018, nâng cấp giao thông nông thôn được ưu tiên tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm nên diện mạo nông thôn mới. Do vậy, huyện cũng tích cực triển khai các chủ trương về quy hoạch lại đồng ruộng gắn với DĐĐT tích tụ ruộng đất. Từng địa phương có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nhân dân làm đường ra đồng từng bước cứng hóa đường giao thông nội đồng. Đặc biệt, phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn được cán bộ và nhân dân đồng tình hưởng ứng, nhiều gia đình đã tự nguyện hiến đất, chặt cây, phá dỡ cổng, tường rào… để mở rộng mặt đường đảm bảo đạt chuẩn theo tiêu chí về nông thôn mới.

      
 
Giao Tân cứng hóa đường ra đồng theo chương trình xây dựng nông thôn mới

      Để khắc phục khó khăn về nguồn vốn trong xây dựng giao thông nông thôn, huyện nhà đã huy động từ nhiều nguồn, từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau như vốn từ ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ; từ các dự án, chương trình đầu tư phát triển xây dựng nông thôn; đóng góp của nhân dân, cộng đồng xã hội bằng tiền, vật tư, lao động... để đầu tư phát triển giao thông nông thôn. Nói về kết quả hệ thống giao thông sau 20 năm tái lập huyện, đồng chí Nguyễn Văn Phòng - Phó trưởng phòng, Phụ trách Phòng Công thương huyện cho biết: “ Với phương châm: nhà nước và nhân dân cùng làm, các địa phương đã đầu tư và huy động mọi nguồn vốn hợp pháp để nâng cấp, làm mới, sửa chữa đường GTNT với tổng chiều dài trên 1.800 km với nguồn vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Hiện nay hệ thống đường giao thông của huyện đã cứng hóa đạt trên 90%”        

      Cùng với việc nâng cấp, xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi , huyện thường xuyên quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp theo tiêu chí đạt chuẩn. Đầu tư tăng công suất nhà máy nước sạch nhằm cung cấp nước sạch phục vụ đời sống dân sinh tại các xã như: Giao Thanh, Giao Lạc…đến nay, toàn huyện có trên 50% số xã, thị trấn đã có hệ thống nước sạnh phục vụ sinh hoạt của nhân dân. Các địa phương đầu tư xây dựng công nghệ lò đốt rác thải giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như diện tích khu chứa rác thải. Ngoài ra, huyện cùng với ngành điện tiến hành nâng cấp ,cải tạo hệ thống lưới điện ở các xã, thị trấn; hoàn thành việc bàn giao mạng lưới điện trung áp nông thôn. Hiện nay 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia dùng cho sinh hoạt và sản xuất. Mạng lưới viễn thông phủ sóng toàn huyện tỷ lệ người dân sử dụng mạng viên thông ngày một lớn.

      Có được kết quả trên, những năm gân đây huyện đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi cho các dự án. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” huyện tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó là sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trong huyện tự nguyện hiến đất, tự tháo dỡ nhiều công trình, tài sản trên đất để tạo mặt bằng sạch cho các dự án, đặc biệt là các dự án chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM do các xã làm chủ đầu tư, vì vậy tiến độ thi công các công trình đã được hoàn thành theo đúng kế hoạch. Đầu tư cho xây dựng cơ bản, nhất là mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn ngày càng hoàn thiện và đồng bộ. Huyết mạch giao thông nông thôn được nối liền, rộng khắp không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân nông thôn mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện, tạo đà cho các xã xây dựng nông thôn mới. Tin tưởng rằng, với hạ tầng cơ sở được hoàn thiện, mạng lưới giao thông ngày càng đồng bộ sẽ tiếp tục là đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội huyện nhà trong thời gian tiếp theo./.


                                                                                                                            Hoàng Mai
                                                                                                                Đài phát thanh Giao Thủy