image banner
Mời họp

image advertisement





Huyện Giao Thủy gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, ngư dân khai thác, nuôi trồng chế biến thủy sản.
Lượt xem: 521
         Sản lượng khai thác thủy sản 6 tháng đạt gần 8.800 tấn, đạt 53,7% kế hoạch năm, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng khai thác được các cơ sở thu mua, chế biến tiêu thụ sản phẩm, hiện 29 sản phẩm có giá trị của một số cơ sở đã được công nhận là sản phẩm OCOP như ngao sạch Giao Thủy, tép moi sấy khô, tôm nõn hấp, nõn bề bề, cá thu một nắng...  sản lượng nuôi trồng đạt gần 24 ngàn tấn, trong đó, nuôi mặn lợ gần 18 ngàn tấn, nuôi nước ngọt gần 3 ngàn tấn.

          UBND huyện sơ kết công tác sản xuất thủy sản 6 tháng đầu năm, triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022; gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, đoàn đội khai thác, ngư dân, hộ nuôi trồng, cơ sở chế biến kinh doanh, sản xuất giống thủy sản trên địa bàn. Đồng chí Hoàng Thị Tố Nga - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, đồng chí Phạm Xuân Mai - Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông, đồng chí Cao Thành Nam - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện dự chỉ đạo hội nghị.

anh tin bai

Đồng chí Trần Quang Hưng - Trưởng phòng NN&PTNT báo cáo kết quả khai thác, nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm

         Huyện Giao Thủy có 893 tàu với tổng công suất 115.200 CV, trong đó 166 tàu có chiều dài trên 15 m tham gia đánh bắt vùng khơi, 248 tàu có chiều dài từ 12-15 m tham gia đánh bắt vùng lộng, gần 480 phương tiện có chiều dài dưới 12 m tham gia đánh bắt ven bờ. Toàn huyện đã thành lập được 8 tổ hợp tác khai thác thủy sản tàu công suất trên 90 CV với 165 tàu, 25 tổ đội khai thác thủy sản. Trong 6 tháng đầu năm, đã có 156/160 phương tiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Sản lượng khai thác thủy sản 6 tháng đạt gần 8.800 tấn, đạt 53,7% kế hoạch năm, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng khai thác được các cơ sở thu mua, chế biến tiêu thụ sản phẩm. Hiện 29 sản phẩm có giá trị của một số cơ sở đã được công nhận là sản phẩm OCOP như ngao sạch Giao Thủy, tép moi sấy khô, tôm nõn hấp, nõn bề bề, cá thu một nắng... Cùng với vươn khơi bám biển khai thác thủy sản, các hộ nuôi trồng trên địa bàn huyện cải tạo ao đầm, lựa chọn con giống nuôi thả. Do đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt gần 24 ngàn tấn, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nuôi mặn lợ gần 18 ngàn tấn, nuôi nước ngọt gần 3 ngàn tấn.

anh tin bai

Ông Trần Xuân Thành - Ngư dân xã Giao Thiện kiến nghị một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực khai thác

          Bên cạnh đó, khai thác nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn vướng mắc: Công trình dịch vụ hậu cần nghề cá gồm bến cá, cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão chưa được đầu tư đồng bộ; xây dựng trong điều kiện kinh phí hạn hẹp nên chỉ xây dựng được các hạng mục hạ tầng cơ bản, nhiều hạng mục chưa được đầu tư. Việc giám sát hoạt động nghề cá trên biển còn nhiều hạn chế do thiếu trang thiết bị quản lý, nhất là khi có bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra. Việc chấp hành đầy đủ các quy định về khai thác hải sản còn hạn chế, tình trạng sử dụng lưới có kích thước mắt nhỏ hơn quy định; đặc biệt dùng xung điện để khai thác thủy sản vẫn còn diễn ra ở một số địa phương. Một số chủ tàu chưa thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về trang bị an toàn cho người và tàu cá. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình chưa thực hiện đầy đủ, tỷ lệ thiết bị giám sát hành trình có tín hiệu còn thấp đạt khoảng 40%. Nuôi trồng thủy sản tốc độ phát triển còn chậm, nhiều hộ nuôi theo kinh  nghiệm, chưa có ý thức giữ gìn môi trường, xử lý ao nuôi bị bệnh chưa đúng quy trình dẫn đến dịch bệnh lây lan. Sản xuất giống thủy sản trong huyện chưa đáp ứng đủ lượng con giống phục vụ nhu cầu nuôi thả của ngư dân, đặc biệt giống tôm thẻ chân trắng phải nhập 100%. Cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản tuy đã được quan tâm đầu tư nâng cấp nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, hệ thống kênh mương, ao đầm, hệ thống điện, các công trình phụ trợ của các dự án nuôi trồng thủy sản đã xuống cấp. Cùng với đó, giá dầu, thức ăn chăn nuôi tăng, ảnh hưởng rất lớn đến khai thác, nuôi trồng thủy sản của bà con ngư dân.

anh tin bai

Đồng chí Cao Thành Nam - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện phát biểu kết luận

         Để từng bước tháo gỡ khó khăn trong công tác khai thác, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện, phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Cao Thành Nam - Phó Chủ tịch Thường trực UBND đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Thông tin và Truyền thông, Chi cục Thủy sản tiếp tục quan tâm chỉ đạo, định hướng phát triển trong thời gian tới; hỗ trợ tạo mọi điều kiện tốt nhất để huyện sớm giải quyết những khó khăn vướng mắc, các đề xuất kiến nghị của ngư dân. UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các nội dung văn bản của các cấp, nhất là biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất và hạn chế thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh cho ngư dân. Tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn đảm bảo theo đúng quy hoạch, rà soát các loại đất mà các cơ sở kinh doanh chế biến, nuôi trồng, sản xuất giống có thể ký hợp đồng dài hạn hơn đảm bảo theo quy hoạch, quy định. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thị trường kinh doanh thức ăn, thuốc thủy sản, chất lượng nguồn giống từ các tỉnh khác nhập về. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bám sát chỉ đạo của Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản hướng dẫn các xã, thị trấn, ngư dân các biện pháp phòng, chống nắng nóng, mưa lũ, kiên cố bờ đầm, xử lý môi trường sau mưa lũ. Hướng dẫn người dân đăng ký đối tượng nuôi chủ lực, cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương giống thủy sản. Phòng TN&MT rà soát quy hoạch sử dụng đất mà người dân đề xuất, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn ký hợp đồng thuê đất để ngư dân yên tâm đầu tư sản xuất theo quy định. Tuyên truyền Luật Thủy sản, các quy định của pháp luật về khai thác, nhất là chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông hỗ trợ ngư dân đăng ký tần số, cước thuê bao thiết bị giám sát hành trình tàu cá./.

Trần Lý

Trung tâm VH-TT-TT Giao Thủy