Hướng dẫn quy trình chăm bón lúa xuân, giới thiệu chế phẩm ET chuyên sử dụng cho cây lúa tại xã Giao Hà và Giao Tân.
Hội nghị tập huấn kỹ thuật chăm bón, bảo vệ lúa và giới thiệu chế phẩm sinh học ET cho cây trồng tại xã Giao Hà.
Xã Giao Hà có diện tích trồng
lúa hơn 800 mẫu, trong đó diện tích gieo sạ 600 mẫu với giống chủ lực là Đài
thơm 8. Căn cứ chỉ đạo của huyện, từ ngày 10-20/2, tập trung gieo sạ và cấy lúa
đảm bảo trong khung thời vụ. Theo quy trình thâm canh, sau khi cấy từ 7-10
ngày, Ban NN xã phát động bà con tập trung chăm bón lúa, phấn đấu kết thúc trước
ngày 25/3. Hiện nay, các trà lúa phát triển tương đối đồng đều, tuy nhiên năm
nay vụ xuân ấm hơn các năm, lúa sau cấy phát triển sớm nhưng đây cũng là điều
kiện để sâu bệnh, nhất là bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại. Cùng với đó, năm nay
khâu điều tiết nước gặp khó khăn do đầu nguồn thiếu nước, một số diện tích phát
triển chậm.
Vụ xuân
năm 2023, xã Giao Tân gieo cấy hơn 270 ha lúa, trong đó lúa thuần chiến 95%, chủ
lực là giống Bắc thơm. Thực hiện sự chỉ đạo của ngành chuyên môn, từ ngày
13-20/2 bà con xã viên Giao Tân tập trung cấy lúa xuân. Căn cứ quy trình hướng
dẫn, từ đầu tháng 3 Ban Nông nghiệp xã phát động xã viên chăm bón lúa đối với 100%
diện tích. Qua kiểm tra thăm đồng, hiện các trà lúa xuân phát triển tương đối đồng
đều, riêng diện tích lúa xóm Duy Tắc và Địch Giáo lúa chậm phát triển hơn do
nhiễm mặn.
Từ tình hình thực tế, Kỹ sư Nguyễn Thị Diệu -
Trung tâm Kỹ thuật dịch vụ nông nghiệp đã phân tích, hướng dẫn bà con xã viên 2 xã Giao Hà và Giao Tân phương pháp chăm sóc, bảo vệ lúa trong 5 giai đoạn sinh trưởng của cây lúa và phương
pháp sử dụng phân bón.
Kỹ sư Nguyễn Thị Diệu - Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Giao Thủy
hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ lúa xuân.
Theo đó, để lúa phát triển ngay từ đầu vụ, nông dân cần bón
sớm, bón tập trung. Sau khi cấy từ 7-10 ngày tập trung bón thúc với lượng đạm
là chủ yếu kết hợp bón kali và đặc biệt chú ý giữ mực nước nông từ 2-3cm tạo điều
kiện cho lúa đẻ nhánh hữu hiệu, khi lúa đạt 350-400 dảnh/m2 cần rút nước lộ ruộng
12-15 ngày, hạn chế dảnh vô hiệu. Trong giai đoạn lúa đứng cái làm đòng, bà con không nên bón đạm, trường hợp bón đạm lúa quá tốt, bộ lá mềm dễ gây bệnh đạo
ôn lá, do đó chỉ nên bón kali để cây lúa tạo hạt chắc mẩy, tăng năng suất.
Bà Nguyễn Thị Hải Anh - Công ty TNHH sinh hóa nhiệt đới Việt Nam hướng dẫn sử dụng chế phẩm ET.
Với
những diện tích bị nhiễm chua mặn cần thay tháo nước và bón bổ sung lân Supe từ
5-7kg/sào, tạm ngừng bón đạm, kali đến khi lúa hồi xanh trở lại. Trong quá
trình chăm bón nên tăng cường sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh, đặc biệt phải
bón phân cân đối, phù hợp với điều kiện giống cây trồng, đất đai, thời tiết,
mùa vụ và áp dụng phương pháp bón sâu, không bón mặt. Một trong những khâu quan
trọng trong sản xuất nông nghiệp, đó là bảo vệ lúa, vì vậy bà con cần thường
xuyên kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện, xử lý theo nguyên tắc đúng thuốc,
đúng thời điểm, đúng cách và đúng liều lượng. Khi phun trừ sâu bệnh, chỉ sử dụng
thuốc hóa học khi đến ngưỡng, không sử dụng quá nhiều loại thuốc trong một lần
phun.
Đồng chí Đoàn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Giao Hà phát biểu tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, chuyên viên Công
ty TNHH sinh học nhiệt đới Việt Nam đã giới thiệu và hướng dẫn sử dụng chế phẩm
ET, Amino trên cây lúa, rau màu và cây hoa. ET là chế phẩm có tác dụng giúp cây
lúa đẻ nhánh đều, cứng cây dầy lá, chống đổ tốt, tăng cường sức đề kháng, giúp
điều hòa với đất chua mặn, hạn chế tác hại của sâu bệnh, phòng chống tốt với
các bệnh vàng lá, ngẹt rễ, đạo ôn, đạo ôn cổ bông, bạc lá, giảm số lượng rầy
nâu trên mỗi khóm lúa. Chế phẩm Amino sử dụng cho cây rau màu, cây ăn trái giúp
khỏe cây, tăng tỷ lệ ra hoa đậu trái cao, tăng năng suất cây trồng, có khả năng
phục hồi cây già yếu./.
Cao Nhung - Trần Lý
Trung tâm VH-TT-TT
Giao Thủy