image banner
MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH TẠI GIAO THỦY NAM ĐỊNH NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP
Lượt xem: 1992

Trong những năm qua công tác DS-KHHGĐ của Việt Nam đã đạt được những thành quả nhất định, đại đa số người dân đã chấp nhận qui mô gia đình nhỏ có hai con, nên việc có con mà có cả trai và gái là một điều thật tuyệt vời mà tất cả mọi gia đình đều mong muốn. Tuy nhiên mong muốn đó không phải gia đình nào cũng trở thành hiện thực, một số gia đình sinh toàn gái, một số gia đình muốn nhiều hơn hai con nhưng sinh thêm phải là trai...Vì vậy áp lực phải sinh cho được con trai ở các gia đình xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ đó dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Đây cũng là vấn đề “nóng” và “nan giải” đối với công tác DS-KHHGĐ đã và đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng.

Theo dự báo của Tổng cục Dân số-KHHGĐ Việt Nam, với tình hình mất cân bằng giới tính khi sinh như hiện nay, đến năm 2050 Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn, tình trạng dư thừa nam giới trong độ tuổi kết hôn có thể dẫn tới tan vỡ cấu trúc gia đình, một bộ phận nam giới sẽ phải kết hôn muộn, nhiều người trong số họ khó hoặc không có khả năng kết hôn.

Với Giao Thủy, theo điều tra và nghiên cứu trong 5 năm trở lại đây (2011 - 2016) tỷ số giới tính khi sinh dao động từ 118,4 bé trai/bé gái đến 128,5bé trai/bé gái. Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ngày một tăng, thứ tự mất cân bằng giới tính khi sinh tăng dần từ lần sinh thứ nhất, thứ hai và cao nhất ở lần sinh thứ 3 trở lên (136,4/100). Theo nghiên cứu từ năm 2011 đến 2016, các xã  ven biển có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao nhưng lại có tỷ số giới tính khi sinh thấp từ 111,9 bé trai/bé gái đến 118,3 bé trai/bé gái so với các xã vùng nội đồng có tỷ số giới tính khi sinh từ 121,3 bé trai/bé gái đến 135,5 bé trai/bé gái.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Giao Thủy đó là: Giao Thủy là huyện ven biển, đặc thù công việc của nông-lâm- ngư nghiệp là cần sức lao động của cơ bắp nên việc ưu tiên lựa chọn lao động nam cho phù hợp đặc thù và nâng cao hiệu quả công việc là phổ biến. Số gia đình có kinh tế khá giả ngày càng có xu hướng sinh thêm con thứ 3 trở lên và lựa chọn giới tính thai nhi để có con là trai. Tư tưởng “trọng nam hơn nữ” luôn muốn có con trai để nối dõi tông đường và phụng dưỡng khi về già đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân. Bên cạnh đó, Giao Thủy cũng là huyện có đông đồng bào theo đạo nên việc tuyên truyền về KHHGĐ cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải kiên trì để tháo gỡ.

            Từ những đánh giá thực trạng và nguyên nhân trên. Nhận thức rõ tầm quan trọng của đề về mất cân bằng giới tính khi sinh và những hậu quả nghiêm trọng trong tương lai, Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Giao Thủy đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông nhằm can thiệp giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh như:

Chủ động phối hợp với Chi cục DS;-KKHGĐ tỉnh thực hiện các hoạt động khảo sát, đánh giá thực trạng và thực hiện dự án mất cân bằng giới tính khi sinh, từ đó tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về mất cân bằng giới tính khi sinh và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh cho đối tượng là viên chức người lao động, đại diện các ban, ngành, đoàn thể, CTV và phụ nữ có chồng trong độ tuổi sinh đẻ tại xã hoặc thôn. Tổ chức tuyên truyền, tư vấn trực tiếp cho nam/nữ thanh niên về khám sức khỏe trước hôn nhân, lợi ích khi chủ động thực hiện các biện pháp tránh thai. Phối hợp với Đài truyền thanh huyện thực hiện sản xuất các băng đĩa về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh đối với gia đình và xã hội để phát trên hệ thống phát thanh xã.

Mất cân bằng giới tính khi sinh liên quan đến vấn đề văn hóa, phong tục, tập quán của người dân từ bao đời nay nên việc cung cấp kiến thức, để thay đổi thái độ và chuyển biến hành vi của người dân là điều cần thiết. Việc duy trì các hoạt động truyền thông, giáo dục

với các nội dung phong phú, đa dạng, hình thức kết hợp có sự biến tấu linh hoạt phù hợp với các nhóm đối tượng cụ thể để nâng cao hiệu quả cần được phát huy và duy trì triển khai. Bên cạnh đó, cần phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính từ huyện đến cơ sở với thông điệp “dù gái hay trai chỉ hai là đủ” để nâng cao ý thức, trách nhiệm và tạo sự hưởng ứng đồng thuận cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Không những thế, để góp phần can thiệp giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, cần có chính sách ưu tiên đối với phụ nữ, ưu tiên đối với những gia đình sinh con một bề là gái chứ không chỉ dừng lại ở bình đẳng giới. Cần rà soát sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, tuyệt đối nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức./.

Một buổi tuyên truyền tại xã Hồng Thuận

  Roãn Văn Dũng

Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ Giao Thủy

 

Tin khác
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1